Một số dự án vào Top 10 đã được triển khai trong thực tế, như "Áo giáp hạt giống" của nhóm tác giả Cần Thơ do Thạch Hoàng Anh làm đại diện. Từ các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như rơm rạ, bã cà phê và nấm trichoderma vốn khả năng bảo vệ hạt giống cây rừng khỏi sâu bệnh, nhóm tạo ra lớp "áo giáp" cung cấp dưỡng chất, đảm bảo điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt cho nhiều loại cây trồng.
Các "áo giáp" này được đóng dạng viên với kích thước nhỏ gọn, dễ dàng vận chuyển. Hiện nay, dự án hoạt động thông qua việc trồng rừng là chủ yếu, ngoài ra còn cung cấp sản phẩm cho các cơ sở phân bón, cơ sở sản xuất cây giống. Phân bón "Áo giáp hạt giống" cũng dùng ươm cây ăn trái, cây con, hạt giống hoa màu, hạt dinh dưỡng cho lan...
Dự án "Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản Alpha amin" của nhóm tác giả Đồng Tháp do Nguyễn Trung Tính làm trưởng nhóm cũng ra sản phẩm từ năm ngoái. Nhóm làm ra hai nhóm sản phẩm liên quan đến nuôi trồng thủy sản (gồm bộ giải pháp Antibio X2 thay thế kháng sinh và BiO Gen1 xử lý môi trường) và chế biến sau thu hoạch (lạp xưởng ếch tươi Amin Pro).
Theo tác giả, các sản phẩm liên quan đến nuôi trồng thủy sản bắt đầu ra thị trường từ năm 2023, với hệ thống 10 nhà phân phối tại 4 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre. Doanh số ba quý đầu năm 2023 đối với bộ sản phẩm Antibio X2 và sản phẩm xử lý môi trường BioGen1 trung bình 150 triệu đồng mỗi tháng. Còn lạp xưởng ếch tươi Amin Pro đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Dự án của nhóm đã phát triển chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản nước ngọt theo hướng giảm phát thải hữu cơ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản. Hai lĩnh vực hoạt động của dự án bổ sung cho nhau để tạo thành chuỗi giá trị xanh cho ngành thủy sản.
Tại vòng thi bán kết, các thí sinh đã thuyết trình về dự án trước ban giám khảo thông qua phần mềm Zoom. Thời gian bài thuyết trình không quá 5 phút, sau đó ban giám khảo dành tối đa 8 phút để phỏng vấn tác giả các dự án.
Vòng thi chung kết sẽ diễn ra vào sáng khai mạc sự kiện "Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL", tại Nhà văn hóa Lao động Đồng Tháp, ngày 15/11. Tại đây, các tác giả sẽ thuyết trình trực tiếp trước ban giám khảo và kêu gọi đầu tư. Các mô hình của các dự án cũng được triển lãm xuyên suốt hai ngày sự kiện.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Top 10 còn có cơ hội tham gia khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; được hỗ trợ hoàn thiện giải pháp sáng tạo theo kế hoạch của ban tổ chức và UBND tỉnh Đồng Tháp (theo chính sách được triển khai tại tỉnh).
Kết quả chung cuộc sẽ được công bố vào sáng 16/11. Ngoài giải thưởng tiền mặt - một giải nhất (100 triệu đồng), một nhì (50 triệu đồng), một ba (30 triệu đồng) và 5 khuyến khích (mỗi giải 10 triệu đồng), dự án đạt giải còn nhận bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp.
Danh sách chi tiết 10 dự án vào Top 10
1.Áo giáp hạt giống - Thạch Hoàng Anh
2. Máy đọc chỉ số thông minh: nước, điện, gas, khí - Nguyễn Thành Công
3. Thu gom và xử lý chất thải hữu cơ từ ngành công nghiệp cá tra - ủ biogas và sản xuất năng lượng tái tạo - Lê Minh Hiếu
4. Bộ sản phẩm xanh Endota sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp - Võ Duy Khánh
5. Airboots - Robot siêu nhẹ chăm sóc cây lúa với ba chức năng phun thuốc, bón phân và gieo hạt - Lê Thị Thu Ngân
6. Sản xuất nấm đồng trùng hạ thảo (cordycep militaris) từ tính chất dừa - (không dùng cơ chất sâu nhộng) - tạo chuỗi liên kết sản xuất địa phương và nâng tầm dừa Việt - Võ Lê Như Ngọc
7. Nghiên cứu sản phẩm bể trồng xanh từ vật liệu tái chế dùng xỉ hàm lượng cao cho sàn hầm khối lớn - Nguyễn Thiên Phúc
8. NetZero Pallet - Pallet làm từ vỏ dừa - Lê Thanh
9. Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản Alpha amin - Nguyễn Trung Tính
10. Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong farmstay - Hồ Ngọc Trâm
Kim Ánh