Chiều 11/11, thảo luận tổ về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), đại biểu Phạm Huy Hùng cho rằng cần làm rõ hơn các vấn đề liên quan tới quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị… để người dân được tiếp cận, tránh gây bức xúc.
Đề cập tới vấn đề tuân thủ quy hoạch, ông Hùng so sánh, các nước trên thế giới thực hiện điều này rất nghiêm, có những quy hoạch cả trăm năm vẫn giữ được. "Còn chúng ta sau khi có quy hoạch thì lại tiếp tục điều chỉnh, xé nhỏ", đại biểu Hà Nội này nêu thực tế.
Chung quan điểm, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, quy hoạch ở Việt Nam "chưa bền vững", tư duy làm theo kiểu giai đoạn ngắn. Bằng chứng là hiếm có khu đô thị nào đạt yêu cầu này, kể cả khu đô thị được coi là kiểu mẫu như Linh Đàm ở Hà Nội.
“Quy hoạch xong rồi cứ chắp vá chỉ gây lãng phí cho đất nước. Tôi đề nghị trừ trường hợp hãn hữu như được Thủ tướng cho phép mới cho điều chỉnh chứ không thì thôi”, bà nói và yêu cầu dự luật cần phải có quy định để đảm bảo được tính bền vững và phù hợp với truyền thống văn hóa đất nước.
Nữ đại biểu từng nhiều lần bày tỏ tâm tư về thực trạng các bộ mặt đô thị ở Hà Nội cũng đề nghị trong dự luật có quy định về “tuổi thọ công trình”. Bởi nếu chỉ quy định bảo hành trong 2 năm thì các công trình từ ngân sách, nhà nước sẽ “suốt ngày phải đi bù lỗ”.
Đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng, sở dĩ chất lượng quy hoạch kém là do không đủ độ bao phủ, nên cần phải quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan tư vấn, lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch.
"Nếu lấy ý kiến chặt chẽ trước khi lập đồ án quy hoạch sẽ hạn chế được tiêu cực, ngăn chặn được sự thông đồng giữa đơn vị tư vấn", đại biểu này góp ý.
Nhắc tới thực tế quản lý trật tự xây dựng không nghiêm dẫn tới nhiều ngôi nhà ở Hà Nội xây vượt tầng, đại biểu Bùi Thị An đề nghị đơn vị nào làm sai thì phải rút luôn giấy phép. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình thì cho rằng dự luật cần làm rõ mô hình về thanh tra xây dựng thuộc Bộ và các sở để đảm bảo thực thi luật.
Trước đó, trình bày về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) tại Quốc hội chiều 6/11, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã nêu nhiều nội dung mới được nghiên cứu bổ sung so với luật năm 2003. Trong đó thêm quy định về quy hoạch xây dựng nhằm khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch được duyệt.
Theo Bộ trưởng Dũng, dự luật cũng đưa ra nhiều điều khoản nhằm quy định quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, tổ chức thực hiện và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Dự thảo luật cũng đưa ra nhiều quy định nhằm thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép, bảo đảm công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp phép; đồng thời xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng và phân công, phân cấp hợp lý giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Về bố cục, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) sau khi đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường gồm 11 chương, 168 điều, tăng 2 chương, 45 điều so với Luật Xây dựng (2003).
Nguyễn Hưng