18h ngày 17/6, nhận tin báo của ngư dân Đậu Văn Kính (Nghi Xuân, Nghi Lộc) về việc phát hiện thi thể quấn trong vải dù, Sở chỉ huy tiền phương ở Hải Phòng đã lệnh cho tàu ngư dân neo tại chỗ để đánh dấu, đồng thời cử tàu biên phòng ra xác minh.
Đại tá Dương Minh Hiền, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cho biết, vị trí người dân cung cấp nằm ở khoảng 19,02 độ vĩ Bắc, 106,28 độ kinh Đông, cách đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khoảng 33 hải lý về phía Đông Đông Nam.
Khoảng 19h, tàu của Bộ đội biên phòng Nghệ An trên đường tới tiếp nhận thi thể từ tàu cá của ông Đậu Văn Kính. "Qua mô tả, nạn nhân tử vong khoảng 2 ngày trước", thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt (Nghệ An), nói.
20h50, nguồn tin từ Sở chỉ huy tiền phương Hải Phòng xác nhận thi thể quấn vải dù đúng là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi), một trong hai phi công lái chiếc Su-30MK2 gặp nạn sáng 14/6. Tàu Biên phòng đang đưa thi thể về bờ.
21h30, Cảng Hải đội 2 (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, Nghệ An), nơi dự kiến đón tàu biên phòng đưa thi thể phi công cập đêm nay, đã được đóng kín. Phía ngoài đường hàng chục người dân hay tin đứng chờ theo dõi.
22h30, ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch Nghệ An, Trưởng ban tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho hay dự kiến 24h tàu biên phòng sẽ cập cảng Hải đội 2 đưa thi thể phi công Trâng Quang Khải vào đất liền.
Từ trên tàu cá, trao đổi qua điện thoại, ông Đậu Văn Kính cho biết, thuyền của ông xuất phát lúc 7h sáng 17/6 ở Cửa Hội (Nghệ An). Tới 17h cùng ngày, phát hiện một vật lạ màu đỏ vàng cách thuyền khoảng 0,5 km.
“Tôi lấy ống nhòm, nhìn ra đó là người; cho tàu lại gần thì thấy thi thể nghi của phi công”, ông Kính nói và cho hay bên cạnh thi thể là chiếc áo phao. “Trên người anh ấy mang áo dù trắng đỏ, nai nịt cẩn thận, tuy nhiên áo dù bị rách một khoảng”, ông Kính cho hay.
Lời kể của ngư dân Đậu Văn Kính.
24h, tàu biên phòng chưa cập cảng Hải đội 2 như dự kiến. Biển có gió mạnh cấp 5-6, sóng to nên tàu từ đảo Mắt vượt khoảng 30 hải lý, khi cách tàu ngư dân Đậu Văn Kính khoảng 8 hải lý thì phải quay về. Sau đó tàu biên phòng xuất phát từ cảng Hải đội 2 có công suất lớn hơn mới tiếp cận và đón được thi thể lên.
Dự kiến ít nhất phải 3h sáng mai tàu biên phòng mới cập bờ.
Xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển, 7h29 sáng 14/6, tiêm kích Su-30MK2 số hiệu 8585 mất liên lạc trên vùng biển phía đông Nghệ An.
Trên máy bay có hai phi công là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi), Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 923 và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi), Phó phi đội trưởng Phi đội bay Su-30.
Các lực lượng gồm hàng nghìn người và hàng trăm phương tiện thuộc quân đội, cảnh sát biển, tàu cá ngư dân đã được huy động tìm kiếm.
Rạng sáng 15/6, thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được tàu của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An, cách nơi máy bay gặp nạn khoảng 28 hải lý về phía đông bắc đảo Mắt. Anh Cường kể lại, khi cách mục tiêu huấn luyện khoảng 15 km, có tiếng nổ trong khoang lái nên hai phi công bung dù cách nhau 2-3 km và nhìn thấy nhau đáp xuống mặt biển.
Đốm sáng cứu sống phi công Su-30
Chiến dịch tìm kiếm phi công Trần Quang Khải tiếp diễn đến ngày thứ ba thì tai nạn kép xảy ra với một chiếc máy bay tuần thám. Trên đường đến địa điểm nghi phát hiện áo phao phi công Su-30, máy bay CASA số hiệu 8983 chở theo 9 người đã rơi trên vùng biển Hải Phòng, cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 44 hải lý. Tung tích của 9 người chưa được xác định.
Đề cập nguyên nhân máy bay CASA rơi, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển cho VnExpress biết: "Ban đầu xác định do thời tiết diễn biến xấu bất thường nên đoàn đã xin hạ độ cao và gặp nạn". Trong khi đó, nguyên nhân khiến máy bay Su-30 rơi đang được điều tra.
Đây là tai nạn với Su-30 và CASA-212 lần đầu tiên được công bố ở Việt Nam.
Video: Phi công Khải trong một buổi luyện tập với Su-30MK2
Chiều 17/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi, chia sẻ mất mát cũng như sự lo lắng của gia đình có cán bộ, quân nhân trong vụ máy bay Su-30MK2 và CASA-212 bị nạn, động viên lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, hiểm nguy khi làm nhiệm vụ. Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành địa phương liên quan tập trung lực lượng tìm kiếm cứu nạn (Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư), huy động các tàu thuyền của ngư dân để cứu người, tìm cho được người mất tích, xác định cụ thể vị trí máy bay rơi, có phương án trục vớt để đánh giá nguyên nhân, tổ chức rút kinh nghiệm. Trong điều kiện khu vực tìm kiếm cứu nạn rộng, thời tiết có thể diễn biến phức tạp hơn, lại là khu vực giáp ranh quốc tế, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phân vùng cụ thể, tránh chồng chéo, đặc biệt là huy động và tổ chức các lực lượng tàu thuyền của ngư dân tham gia tìm kiếm cứu nạn nhằm đạt hiệu quả cao nhất và đảm bảo an toàn. UBND các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và cơ quan liên quan huy động tàu thuyền của ngư dân đang đánh bắt cá trong khu vực liên quan và các tàu thuyền khác tham gia tìm kiếm theo sự chỉ đạo của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn. "Công tác tìm kiếm cứu nạn phải khẩn trương, quyết liệt và phối hợp chặt chẽ kể cả với lực lượng tìm kiếm cứu nạn quốc tế để tìm kiếm bằng được những phi công, quân nhân gặp nạn", công điện của Thủ tướng nêu rõ. |