Đường Phạm Ngọc Thạch xưa và nay hầu như không thay đổi. Phía xa là phần sau của nhà thờ Đức Bà. Tòa nhà bên phải trước năm 1975 là Tổng hội sinh viên, nay là trụ sở của Đoàn TNCS. Thời Pháp con đường có tên Blan Sube sau chính quyền Sài Gòn đổi thành đường Duy Tân.
Đường Duy Tân trở nên thơ mộng khi xuất hiện trong lời bài hát Trả lại em yêu, khung trời đại học. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát (Trả lại em yêu) của nhạc sĩ Phạm Duy. Trước năm 1975, nơi đây có trường Luật (nay là ĐH Kinh Tế TP HCM), sát đó là ĐH Kiến Trúc, một thời thành nơi hẹn hò của giới sinh viên.
Đường Lê Duẩn ở trung tâm quận 1, là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn. Năm 1871, đường mang tên Norodom, vì Dinh Thống Nhất lúc đó gọi là Dinh Norodom. Đến năm 1950, cựu hoàng Bảo Đại lập chính phủ, đặt thủ đô tại Sài Gòn, thì dinh Norodom được đổi tên lại là Dinh Độc Lập và đường Norodom được đổi thành đường Thống Nhất.
Sau ngày 30/4/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời mới đổi tên Dinh Độc Lập thành Dinh Thống Nhất và đường 30 tháng 4. Đến năm 1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, UBND TP HCM quyết định đổi tên thành đường Lê Duẩn.
Đường Nguyễn Huệ vốn đã quá thân quen với nhiều thế hệ người Sài Gòn, nối liền UBND TP với bến Bạch Đằng. Khởi thủy, con đường vốn là kênh dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định với cái tên Kinh Lớn. Sau đó, người Pháp cho lấp kênh, mở đường với cái tên ban đầu là Đại lộ Charner vào năm 1887.
Đến năm 1956 chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi tên thành Đại lộ Nguyễn Huệ. Con đường một thời vốn là chợ hoa tấp nập mỗi dịp xuân của người Sài Gòn. Năm 2004. UBND TP HCM khôi phục thành đường hoa. Vào tháng 4/2015, đường được cải tạo thành phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Đường Đồng Khởi trước ngày thống nhất có tên là Tự Do, thời Pháp mang tên Rue Cartinat. Trong ảnh là đoạn giao với đường Tôn Đức Thắng, ngay khách sạn Majestic. Đây được xem là một trong những con đường sầm uất nhất của thành phố vì tập trung các cửa hiệu sang trọng, các khách sạn, trung tâm mua sắm.
Các công trình nổi bật trên tuyến phố này là: Nhà hát TP HCM, khách sạn Continental, Grand Hotel Sài Gòn, Khách sạn Caravelle...
Đường Hàm Nghi nằm gần chợ Bến Thành. Cũng như đường Nguyễn Huệ, con đường mang tên vị vua triều Nguyễn khởi thủy cũng là một con rạch. Khoảng năm 1870, rạch được san lấp thành đường, mang tên Conton. Đến năm 1920, đường có tên gọi là Đại lộ de la Somme. Từ năm 1955, chính quyền đổi thành đại lộ Hàm Nghi.
Đường Trần Hưng Đạo vào thời Pháp có tên Galliéni, sau năm 1955 được đổi thành tên như ngày nay. Con đường được người Pháp khởi công ngay khi chợ Bến Thành khai trương năm 1914 nhằm kết nối với Chợ Lớn và hoàn thành sau đó 2 năm.
Vào thời ấy, chỉ có 2 con đường thông Sài Gòn với Chợ Lớn: đường Dưới (cặp rạch Bến Nghé/kênh Tàu Hũ - Pháp gọi là arroyo Chinois) và đường Trên (Nguyễn Trãi hiện nay - đường Cái Quan vốn có trước khi Sài Gòn thuộc Pháp). Khi đường Trần Hưng Đạo hoàn thành, việc kết nối hai khu vực sầm uất càng giúp thành phố phát triển.
Đường Tôn Đức Thắng trước năm 1975 có tên gọi Cường Để. Con đường chạy dọc theo sông Sài Gòn, cạnh đó là công viên cảng Bến Bạch Đằng. Nổi bật trên đường là tượng Trần Hưng Đạo chỉ tay xuống sông Sài Gòn, được dựng vào năm 1967.
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa trước mang tên Công Lý và thời Pháp thuộc có tên Macmahon. Ngày nay, cầu Công Lý bắc qua kênh Nhiêu Lộc vẫn giữ tên ngày xưa vốn có. Trên đường có một số công trình nổi tiếng như Dinh Độc Lập, chùa Vĩnh Nghiêm, TAND TP HCM...
Đường Điện Biên Phủ ngày nay đã rộng hơn cách đây nửa thế kỷ do đây là tuyến đường cửa ngõ thành phố. Con đường này khá dài và giao với nhiều tuyến đường của thành phố. Trước kia đường mang tên Legrand de la Liraye, sau đó đổi thành Phan Thanh Giản.
Phía cuối đường tiếp giáp với xa lộ Hà Nội (trước năm 1975 là xa lộ Biên Hòa). Xa lộ là công trình hiện đại vào thập niên 1960, do người Mỹ đầu tư, nhằm kết nối Sài Gòn với các tỉnh phía Đông.
Đường Phan Chu Trinh, bên hông chợ Bến Thành năm 1967 không khác nhiều so với hiện tại với những dãy nhà cổ vẫn còn nguyên vẹn. Dãy nhà này do gia đình chú Hỏa xây dựng vào năm 1912 để kinh doanh.
Đường Nguyễn Thiệp, dài 90 m, là một trong những con phố ngắn nhất Sài Gòn nhưng rất thân thuộc với người dân. Con đường đã chứng kiến nhiều thăng trầm nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn từ thời Pháp. Ngày xưa đường có tên Carabelli và được đổi thành tên như ngày nay từ năm 1955.
Đường Trương Định chạy ngang qua công viên Tao Đàn. Hai bên đường là hàng cây dầu rái cao vút, tỏa bóng mát. Trước năm 1975, đường mang tên Trương Công Định, sau được rút gọn như ngày nay.
Ngã tư Phú Nhuận ngày nay là giao lộ giữa đường Hoàng Văn Thụ (trước năm 1975 tên Võ Tánh) với Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm (trước năm 1975 tên Võ Di Nguy). Thời Việt Nam Cộng Hòa, khu vực này thuộc tỉnh Gia Định, là cửa ngõ chính đi vào trung tâm Sài Gòn.
- Bùng binh trước chợ Bến Thành thay đổi sau hơn 100 năm
- Những 'biểu tượng' kiến trúc hơn 100 năm giữa Sài Gòn
Quỳnh Trần (Tổng hợp tư liệu)