Liên quan đến tranh luận giữa Bộ trưởng GTVT và Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm về việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, bên hành lang Quốc hội hôm 18/6, đại biểu HĐND TP HCM Lâm Thiếu Quân cho hay từ trước đến nay vẫn không đồng tình việc thu phí này. Tại kỳ họp cuối năm ngoái các đại biểu phải biểu quyết thông qua việc thu phí vì đó là Nghị định của Chính phủ, phải chấp hành chứ không thể làm khác.
"Nói như Bộ trưởng Thăng, HĐND TP HCM có quyền thu phí sử dụng đường bộ xe máy với mức 0 đồng là Trung ương đang đẩy khó về cho địa phương; sẽ tạo ra bất công vì nơi thu, nơi không. Tốt nhất là nên bỏ loại phí này đi", ông Quân nói và cho biết chắc chắn kỳ họp vào tháng 7 tới HĐND thành phố sẽ đưa vấn đề thu phí sử dụng đường bộ ra để bàn bạc.
Theo ông Quân, văn bản mới mà Bộ trưởng Thăng nói như một "biện pháp chữa cháy, giữ thể diện cho cơ quan soạn thảo" mà thôi. Bởi, ngay những biện pháp chế tài, xử phạt khi hành thu cũng không có thì làm sao mà thực hiện. "Văn bản mới sau này chỉ quy định mức thu tối đa mà không có mức tối thiểu cũng giống như đi nước đôi. Thu cũng được mà không thu cũng được, không đảm bảo công bằng", ông Quân nói.
Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Văn Tùng, việc thu phí là triển khai từ luật, nghị định và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, nói nôm na việc thu phí là bắt buộc. Vì vậy, nếu TP HCM vẫn quyết bảo vệ quan điểm chưa thu phí thì thứ nhất phải giải trình với Chính phủ và các bộ ngành liên quan những lý do hợp tình hợp lý và cần phải kiến nghị sửa đổi nghị định, thông tư. Như vậy TP HCM và các tỉnh thành khác không cần phải tổ chức thu phí.
"Còn nếu vận dụng thông tư 133 như Bộ trưởng Đinh La Thăng nói dù thu phí mức 1 đồng hay 0 đồng thì vẫn phải thu phí. Lúc đó khoản thu không có mà ngược lại còn tốn một khoản tiền khổng lồ cho bộ máy tổ chức kê khai, thu, quản lý phí này", ông Tùng nói trên Tuổi Trẻ.
Hiện, TP HCM là địa phương duy nhất trong cả nước chưa thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy sau hơn 2 năm có Nghị định của Chính phủ. Lý do được Chánh Văn phòng Võ Văn Luận cho là bởi người dân đang chịu quá nhiều sức ép từ các khoản thu.
"Công tác chuẩn bị thu phí đường bộ đối với xe máy của UBND thành phố đã tiến hành từ lâu, nhưng xét thấy tình hình chưa thuận lợi nên thành phố đã giãn thời gian thu", ông Luận nói và cho biết các tỉnh thành khác đã làm mà TP HCM vẫn tiếp tục kéo dài thì sẽ bị Chính phủ phê bình.
Tuy nhiên, theo người phát ngôn của UBND TP HCM, nếu phải triển khai việc thu phí xe máy thì thành phố cũng không sử dụng số tiền thu được mà toàn bộ nguồn thu sẽ để lại cho quận, huyện để đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương, phục vụ nhân dân.
Ở kỳ họp HĐND TP HCM cuối năm ngoái, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị hoãn thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng thu phí sử dụng đường bộ qua xăng dầu hoặc qua các cây xăng chỉ cần vài chục hoặc vài trăm người, còn thu theo đầu phương tiện thì hàng triệu người sẽ phải đi nộp phí, chưa kể phải huy động cả bộ máy cán bộ xã, phường tham gia trên phạm vi cả nước.
"TP HCM có đến 20% xe máy từ các tỉnh tới, lại thêm vấn đề xe không chính chủ sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn khi thực hiện. Chúng ta chưa có cơ chế xử phạt, nhân viên thuế, tài chính không có thời gian đi kiểm tra nên nhiều khả năng sẽ tạo sự bất công vì người nộp, người không", ông Quân nói và cho biết các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ năm đầu thu còn đạt được 40%, nhưng từ năm thứ 2 thì thu chưa đạt đến 15%.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Trọng Dũng cũng cho rằng việc giao cho địa phương thu là khó thực hiện, biện pháp chế tài cũng không rõ ràng nên việc triển khai thu phí rất khó khả thi. "Tôi đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ sửa lại nghị định. Hoặc ít nhất là loại xe máy ra khỏi đối tượng thu phí và chỉ giữ lại xe môtô", ông Dũng nói tại kỳ họp.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 17 (kỳ họp bất thường) HĐND TP HCM ngày 30/12/2014, dù vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, các đại biểu đã nhất trí thông qua việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy. Sau khi được HĐND TP HCM chấp thuận, UBND thành phố đã quyết định triển khai thu loại phí này từ ngày 1/5. Mức thu xe có dung tích xylanh đến 100 cm3 là 50.000 đồng một năm, loại từ trên 100 cm3 đến 175 cm3 là 100.000 đồng và trên 175 cm3 là 150.000 đồng. Hiện, các tổ dân phố đã phát giấy thống kê số lượng xe máy của từng hộ trên địa bàn để tiến hành thu phí.
Tuy nhiên, tranh luận với lãnh đạo TP HCM bên hành lang Quốc hội Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định theo quy định của luật phải thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, nhưng trong nghị định và thông tư hướng dẫn chỉ quy định mức thu tối đa, không quy định mức tối thiểu. Điều này có nghĩa là HĐND tỉnh, thành có quyền quyết định mức thu bằng 0 đồng.
Đầu tháng 4, trong văn bản gửi Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương về việc đánh giá thực hiện thu phí đường bộ đối với xe máy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng việc thu phí gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý (mua bán chưa sang tên đổi chủ) cũng như chưa có chế tài xử lý phù hợp với các trường hợp không nộp phí nên hiệu quả công tác này chưa cao. Bên cạnh đó, từ năm 2004, việc thu phí xe máy tại các trạm thu phí đường bộ đã được bãi bỏ. Do đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương kiến nghị Thủ tướng tạm dừng, chưa thực hiện thu phí xe máy. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng cho biết, Hà Nội đồng tình với đề nghị bãi bỏ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy của TP HCM. Hà Nội ủng hộ nếu Trung ương quyết định bãi bỏ quy định việc thu phí này. |
Trung Sơn