Larry Burrows chụp tấm "Vươn tay" tháng 10/1966, khi Thủy quân Lục chiến Mỹ tấn công đồi 400 và đồi 484, khu vực rừng núi Quảng Trị. Trong ảnh, Jeremiah Purdie, đầu quấn băng nhuốm máu, đang vươn tay về phía Larry Mitchel, đồng đội bị thương ngồi dưới đất.
"Đó không đơn giản là một bức ảnh," Ron Cook, một nhân chứng, nói. "Lính quân nằm vạ vật, bị thương hoặc chết." Cook sinh năm 1947, tới Việt Nam làm y tá trong Thủy quân Lục chiến Mỹ năm mới 19 tuổi.
Theo Time, bức ảnh thể hiện tình đồng đội đầy trìu mến giữa cảnh chiến trường khốc liệt, xung quanh là bùn đất, cây gãy lởm chởm bởi súng đạn. Ở đó, những thanh niên Mỹ xa nhà bị ném vào cuộc chiến tranh vô nghĩa.
"Tôi cho rằng bất kỳ y tá nào phục vụ ở Việt Nam đều sẽ nói, chúng tôi là những đứa trẻ phải chăm sóc những đứa trẻ khác. Chúng tôi bị đặt trong nhiều hoàn cảnh kinh khủng," Cook nói trong cuộc triển lãm tưởng nhớ phóng viên thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam tại Frankfort, bang Kentuky, Mỹ, năm 1999.
Khi giao tranh nổ ra đầu tháng 10/1966, nhiếp ảnh gia Larry Burrows có mặt ở khu đồi. "Ông ấy không bao giờ chùn bước, luôn kiên định, ẩn hiện khắp nơi và cực kỳ ít nói. Đó là lý do tại sao chúng tôi gọi ông ấy là 'nhiếp ảnh gia từ bi'".
Tấm ảnh mà Larry Burrows chụp, là hình ảnh trường tồn đối với nhiều thế hệ, minh họa sự tàn phá kinh hoàng trong chiến tranh Việt Nam. Hình ảnh ấy, còn nhắn nhủ tới tất cả những cuộc chiến khác về sự tàn khốc của chiến tranh, John Saar, đồng nghiệp của Larry viết.
Tạp chí Life sau đó công bố nhiều ảnh của Larry Burrows, nhưng phải đến 5 năm sau, "Vươn tay" mới được đưa ra, vào tháng 2/1971, khi Burrows gặp nạn trên đất Lào.
Tháng 2/1971, Larry Burrows, 44 tuổi, cùng Kent Potter 23 tuổi, Keisaburo Shimamoto 34 tuổi và Henri Huet 43 tuổi, ngồi trực thăng tác nghiệp trên không phận Lào thì bị bắn rơi. Lúc đó, phía Mỹ tổ chức một cuộc tìm kiếm, và cho rằng họ bị lạc trong rừng.
Larry Burrows sinh năm 1926 ở London, Anh. Năm 16 tuổi, ông bỏ học, xin vào báo Life. Ông từng làm việc tại nhiều phòng ảnh ở Anh trong suốt Thế Chiến II. Năm 1962, Burrows trở thành phóng viên ảnh và tới Việt Nam, hy vọng đem đến cái nhìn toàn cảnh về chiến tranh Việt Nam cho nhân dân thế giới, mong đợi được chứng kiến Việt Nam hòa bình.
"Tôi không có ý hạ thấp bất kỳ nhiếp ảnh gia nào khi nói rằng Larry Burrows là nhiếp ảnh gia chiến tranh dũng cảm và tận tụy nhất mà tôi biết. Ông đã dành 9 năm chụp ảnh chiến trường Việt Nam, trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm," Ralph Graves, biên tập viên Life phát biểu năm 1971, tưởng nhớ người đồng nghiệp mất tích.
"Ông ấy thường bảo rằng, chiến tranh là chuyện đời ông, và ông sẽ nhìn nó đi qua. Ông thường mơ rằng, được chụp ảnh Việt Nam ngày hòa bình."
Nhiều năm sau, tháng 4/2008, mảnh vỡ trực thăng và thi thể của 4 nhà báo mới được tìm thấy.
"Ông ấy có thể lựa chọn trở thành bác sĩ phẫu thuật, quân nhân hoặc bất cứ nghề gì khác. Nhưng không, ông đã chọn nhiếp ảnh, và tận tâm với những gì mình chứng kiến qua ống kính tiêu cự 35 mm. Công việc là lẽ sống đời ông, " Saar nói.
Life là một tuần san của Mỹ, được xuất bản lần đầu năm 1883. Năm 1936, Henry Luce, ông chủ báo Time mua lại tuần san này, và chuyển nó thành tạp chí ảnh hoặc ấn phẩm chuyên đề cho những sự kiện đặc biệt cho đến nay.
Hồng Hạnh