Tiếng chuông Nhà thờ Đức bà Paris từng được gióng lên vào năm 1918 khi Thế chiến thứ nhất kết thúc và rồi lại được gióng lên khi quân Đồng minh giải phóng thủ đô nước Pháp khỏi tay Phát xít Đức vào năm 1944. Đầu thế kỷ 21, nhà thờ Thiên chúa giáo này dành đặc ân trên khi tưởng nhớ những nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9 tại New York.
Hôm qua, hàng trăm người dân Paris xuống đường đứng trong mưa, dưới tiếng chuông nhà thờ ngân nga, tưởng niệm 12 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo, vụ khủng bố đẫm máu nhất nước Pháp trong nửa thế kỷ qua.
"Cả đất nước đang than khóc", Financial Times dẫn lời Carmen Bramly, một thiếu nữ người Paris 19 tuổi, cho biết. Cô quệt nước mắt rồi nói: "Chúng ta phải đứng lên chống lại điều này".
Ngay cả trước khi vụ thảm sát xảy ra, nước Pháp được cho là đang chìm trong khó khăn và bế tắc, với triển vọng kinh tế bi quan và tâm lý mất niềm tin vào hệ thống chính trị vốn đang loay hoay với các vấn đề trước mắt.
Cũng như rất nhiều người dân Pháp khác, cô Bramly cho rằng vụ thảm sát tạo động lực để đoàn kết đất nước, vốn đang bị chia rẽ sâu sắc trên các lĩnh vực tôn giáo, xã hội và chính trị.
Trên các con phố của thủ đô Paris, người dân treo đầy các biểu ngữ và bài báo với dòng chữ "Chúng tôi là Charlie" (Je suis Charlie), như một cách để thể hiện sự đồng tình với lý tưởng của những nạn nhân đã khuất.
Rất nhiều thành viên và lãnh đạo của cộng đồng Hồi giáo 5 triệu dân tại quốc gia này cũng lên án vụ thảm sát tại Charlie Hebdo. "Tôi là người Arab và theo đạo Hồi, nhưng tôi ủng hộ các gia đình, các nhà báo và những người liên quan", New York Times dẫn lời chị Ilhem Bonik, người nhập cư gốc Tunisia, cho biết. "Vụ tấn công là hành vi chống lại đạo Hồi".
Tổng thống Francois Hollande tiến hành một loạt các cuộc hội đàm với giới lãnh đạo chính trị nhằm kêu gọi đoàn kết đối phó với nguy cơ khủng bố cực đoan. Tuy nhiên, lời kêu gọi chính trị này vẫn phản ánh bầu không khí căng thẳng trên chính trường Pháp, khi đảng Mặt trận Dân tộc của bà Marine Le Pen không được mời tham dự cuộc diễu hành thống nhất sẽ được tổ chức vào ngày 11/1. Mặt trận Dân tộc là đảng phái chính trị cựu hữu, với tư tưởng coi đạo Hồi là sự đe dọa với các giá trị và chủ quyền quốc gia.
Ở phía đông Paris, người dân tập trung tại đại lộ Richard Lenoir, nơi mà các tay súng đã hạ sát một cảnh sát ngay cả khi người nay giơ tay cầu xin. Anh Yann Clement, người đã nghe thấy tiếng súng, lặng lẽ đặt một bó hoa hồng lên vỉa hè, nơi người cảnh sát ngã xuống.
"Bọn chúng đã đánh thẳng vào trái tim của nước Pháp và đã làm vậy ngay tại nơi tôi sống", Clement nghẹn ngào nói. "Tôi hy vọng sự kiện lần này sẽ khiến cả đất nước xích lại cùng nhau".
Ngay gần đó, người dân xen lẫn với cánh nhà báo và quay phim, vây quanh tòa nhà trụ sở tạp chí Charlie Hebdo. Bất chấp mưa gió, họ đặt hoa, thắp nến và để lại những dòng lưu bút kêu gọi sự đoàn kết. "Hãy yên nghỉ. Mãi ủng hộ Charlie Hebdo và giá trị của Cộng hòa Pháp", một lời nhắn viết.
Vụ thảm sát cũng dấy lên mối lo ngại về sự trỗi dậy của các tổ chức chính trị cực hữu. Một số người dân lo rằng đảng Mặt trận Dân tộc sẽ lợi dụng bi kịch vừa qua để tiếp tục gây áp lực trên vấn đề người nhập cư, đẩy cuộc sống của cộng đồng Hồi giáo vào chỗ khó khăn. "Vụ tấn công này là hũ mật ngọt cho đảng Mặt trận Dân tộc", ông Camille Grand, giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp, cho biết.
Ngồi trong quán cà phê thuộc Trung tâm Văn hóa Hồi giáo ở Goutte d’Or, một trong các khu dân cư nghèo tập trung nhiều người nhập cư Bắc Phi ở Paris, một phụ nữ Hồi giáo trẻ có tên Pia cho biết cô hiện rất lo sợ về tương lai.
"Sau vụ tấn công tại Toulouse, người ta coi người Hồi giáo chúng tôi là như nhau hết", Pia chia sẻ. "Sự việc lần này sẽ khiến hình ảnh của đạo Hồi càng trở nên tệ hơn bao giờ hết". Tháng 3/2012, một thanh niên Hồi giáo đã xả súng tại một trường học ở thành phố Toulouse thuộc vùng tây nam nước Pháp, khiến 4 người thiệt mạng trong đó có ba trẻ em.
Trong khi đó, anh Ali, một nhân viên bảo vệ 23 tuổi, lại có quan điểm khác. "Tôi không thể tha thứ cho bọn chúng. Chúng không đại diện cho đạo Hồi chân chính", anh nói.
Tuy nhiên, người thanh niên này cũng không hoàn toàn đồng tình với cách làm của các nhà báo Charlie Hebdo khi vẽ tranh biếm họa về đấng tiên tri Mohammed. "Họ đã đùa với lửa, vì vậy sớm hay muộn cũng sẽ bỏng tay", Ali nói. "Bạn không được phép tưởng tượng về Ngài ngay cả trong tâm tưởng, dù chỉ một giây. Đó là hành động tội lỗi".
Đây cũng là quan điểm chung của nhiều người dân tại Goutte d’Or. Cô Fatima Hassoune, con gái một người nhập cư Morocco, cho hay cô hiểu cảm giác bị xúc phạm của người Hồi giáo khi thấy đấng tiên tri bị đưa lên tranh biếm họa của Charlie Hebdo.
Nhưng, Hassoune cũng nói rằng tự do và tự do ngôn luận là nền tảng của Cộng hòa Pháp và cô tự hào khi mình là một người dân Pháp. "Đối với tôi, những bức biếm họa ấy không phải là tội ác. Nhưng phải nói một lần nữa, tôi không bao giờ lung lay về tín ngưỡng của mình, bất kể người ta viết về điều đó như thế nào", cô chia sẻ.
Đức Dương (video: RT)