Thảo luận về dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi) ngày 16/6, nhiều đại biểu phản đối quy định “không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử”. Một số đại biểu đề nghị, chỉ quy định một số đối tượng được hưởng quy định trên như Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động…
Đại biểu Trần Thị Dung dẫn chứng những năm gần đây, trong một số vụ án hình sự có không ít đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ, bị cáo Huỳnh Văn Siêng sinh năm 1943, trú tỉnh Bến Tre đã phạm 2 tội hiếp dâm trẻ em và giao cấu với 2 bé gái sinh năm 2000. Bị cáo Nguyễn Văn Tài, 85 tuổi, trú tại thành phố Nam Định phạm tội giết vợ bằng 43 nhát dao… “Đây là những người trên 70 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất tử hình”, đại biểu Dung nhấn mạnh.
Theo đại biểu Dung, người 70 tuổi trở lên vẫn đủ sức khỏe, đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội nên nếu được miễn trừ án tử hình sẽ không đảm bảo nguyên tắc Hiến định là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu quy định như dự luật, người từ đủ 70 tuổi trở lên phạm bất kỳ tội phạm nào cũng được miễn hình phạt tử hình thì những tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội khủng bố, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh cũng được miễn áp dụng. Với hàng loạt dẫn chứng, bà đề nghị ban soạn thảo "hết sức cân nhắc".
Đại biểu Triệu Là Pham cho biết, nhiều người từ 70 tuổi trở lên vẫn khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, thậm chí là người tổ chức, cầm đầu băng nhóm tội phạm. “Tôi đề nghị luật nên bỏ quy định này, đồng thời đề nghị theo hướng không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình đối với người thật sự già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội”, đại biểu Pham đề xuất.
Phản đối quy định như dự thảo, đại biểu Vũ Thị Nguyệt đặt vấn đề ban soạn thảo lấy tiêu chí nào để xác định người trên 70 tuổi áp dụng quy định này. Năng lực hành vi dân sự, hình sự của những người trên 70 tuổi có gì khác so với các lứa tuổi khác? Theo luật hiện hành có hai quy định chính sách đối với người cao tuổi liên quan đến độ tuổi, đó là Luật Người cao tuổi có quy định người cao tuổi là công dân Việt Nam và có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên. Hai là, chính sách hỗ trợ người cao tuổi mà không có trợ cấp hàng tháng được áp dụng đối với những người từ 80 tuổi trở lên.
“Tôi đề nghị cần cân nhắc quy định và làm rõ các tiêu chí tại sao lấy mức người trên 70 tuổi để không áp dụng hoặc không thi hành hình phạt tử hình”, đại biểu Nguyệt nói.
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu đồng tình với quan điểm hạn chế hình phạt tử hình. Tuy nhiên, với đề nghị bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh như dự thảo (cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy), nhiều đại biểu đề nghị không bỏ án tử hình với các tội danh phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy. |
Võ Hải