Ngày 15/12, lãnh đạo TAND quận 4, TP HCM xác nhận đã chuyển hồ sơ vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng với Công ty Trường Ngân qua Phòng cảnh sát điều tra về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM vì cơ quan xét xử nhận thấy vụ án có dấu hiệu hình sự.
Trước đó, đại diện một ngân hàng liên quan vụ 7 nhà băng giành quyền kiểm soát kho cà phê Trường Ngân cho hay đã có văn bản gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an) đề nghị làm rõ dấu hiệu về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Công ty Trường Ngân.
Trong đơn gửi C46, nhà băng này cho rằng những người đứng đầu Công ty Trường Ngân dùng một lô hàng thế chấp cho 7 ngân hàng. Hiện công ty mất khả năng thanh toán, hàng trong kho thì số lượng không như sổ sách, phân nửa là rác. Đồng thời, Trường Ngân cũng không chứng minh được nguồn tiền vay từ các tổ chức tín dụng được dùng vào việc gì, tại sao mất cân đối... nên cần được làm rõ.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý về mặt nghiệp vụ, còn quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp cho vay phải xử lý theo luật. Theo đó, ngân hàng phải khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, sau đó nếu doanh nghiệp còn tài sản thế chấp thì thực hiện phát mãi nhằm thu nợ. Trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo thì phải chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra.
Vụ tranh chấp tại kho hàng của Công ty Trường Ngân liên quan tới 7 nhà băng là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Công Thương (Vietinbank), Phương Đông (OCB), Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Hàng Hải (MaritimeBank), Quân Đội (MB), Quốc Tế (VIB). Sau khi cơ quan thi hành án thực hiện phát mãi 3.360 tấn cà phê Trường Ngân thế chấp tại OCB, các đơn vị còn lại đều không đồng tình và va chạm giữa các bên bắt đầu nổ ra. Thậm chí, trước cửa kho hàng của Trường Ngân, một số cán bộ nhân viên ngân hàng còn suýt ẩu đả lẫn nhau để tranh giành tài sản thế chấp.
Lệ Thanh