Theo khảo sát hồi tháng 10 trên VnExpress, 34% nhà đầu tư cho rằng, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ sẽ trở thành kênh tích sản tiềm năng trong ba năm tới. Con số này thậm chí nhiều hơn so với vàng (14%), bất động sản (23%) vốn được coi là kênh tích sản an toàn, truyền thống của người Việt.
Phần lớn người tham gia khảo sát đánh giá, chứng chỉ quỹ được nhiều nhà đầu tư ưu tiên bởi đây là phương án có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, thanh khoản tốt, số vốn tham gia nhỏ chỉ từ 100.000 đồng, dễ dàng tiếp cận được các nhà đầu tư đại chúng.
Lý giải nguyên nhân chứng chỉ quỹ dần trở thành xu hướng tích sản được ưa chuộng, bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc khối trong nước, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho biết, hiện nay, sự tăng trưởng về số lượng nhà đầu tư trẻ, được tiếp cận với kiến thức tài chính sớm khiến những kênh đầu tư mới, năng động như chứng khoán, chứng chỉ quỹ được quan tâm nhiều hơn.
Đặc biệt, những "vấp ngã" trên thị trường cuối năm 2022 bởi loạt sự kiện "thiên nga đen" khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân nhận thức rõ ràng hơn về sự khốc liệt và phức tạp khi tự đầu tư cổ phiếu, trái phiếu. Do đó, họ sẽ có nhu cầu tìm đến các chuyên gia đầu tư dày dặn kinh nghiệm thông qua việc đầu tư gián tiếp qua quỹ mở.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người tăng kéo theo thặng dư thu nhập (thu nhập còn lại sau khi trừ đi các chi phí thiết yếu cho cuộc cuộc sống) cùng nhu cầu đầu tư tăng lên.
"Trong đó, chứng chỉ quỹ là kênh tiếp cận đầu tư rất phổ biến trên thế giới với ưu điểm về tính minh bạch cao và có thể tham gia với số vốn nhỏ, khác với các kênh đầu tư khác ví dụ bất động sản cần vốn lớn", chuyên gia này nhận định. Thông qua việc đầu tư vào quỹ, nhà đầu tư gián tiếp tham gia vào thị trường chứng khoán dưới sự đồng hành của chuyên gia.
Không chỉ tại Việt Nam, tích sản thông qua việc sở hữu chứng chỉ quỹ cũng trở thành một xu hướng phổ biến tại các nước có nền kinh tế phát triển. Tỷ lệ người tham gia đầu tư chứng chỉ quỹ ở Hàn Quốc là 1 trên 4 người, Nhật Bản là 1 trên 3. Còn ở Mỹ, cứ 10 người thì 9 người đầu tư vào quỹ.
Những năm gần đây, số lượng nhà đầu tư sở hữu chứng chỉ quỹ cũng không ngừng gia tăng. Tại Dragon Capital Việt Nam, công ty quản lý quỹ lâu đời trên thị trường với 30 năm hoạt động, số lượng nhà đầu tư sở hữu chứng chỉ quỹ đã tăng đáng kể, gấp 10 lần trong vòng hai năm gần đây. Tương tự, các công ty quản lý quỹ khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội về số lượng nhà đầu tư.
Để đáp ứng nhu cầu đầu tư qua quỹ, thị trường tài chính cũng ghi nhận sự tăng trưởng về lượng và chất của các quỹ đầu tư. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hết năm 2016, cả nước có 31 quỹ đầu tư với giá trị tài sản ròng (NAV) đạt hơn 7.700 tỷ đồng. Sau 7 năm, số lượng quỹ tăng hơn gấp 3 lên 99 quỹ với giá trị tài sản ròng tăng hơn 10 lần, đạt gần 72.000 tỷ đồng, tính đến hết 3/2023.
Loại hình các quỹ đầu tư cũng đa dạng hơn với 52 quỹ mở, 2 quỹ đóng, 32 quỹ thành viên, 12 quỹ ETF và 1 quỹ bất động sản. Trong đó, xu hướng đầu tư quỹ cổ phiếu chiếm ưu thế khi ba trên bốn quỹ mở có tài sản ròng lớn nhất là quỹ cổ phiếu gồm: VSF (Dragon Capital), VLGF (SSI), DCDS (Dragon Capital)...
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng không bị giới hạn khi đầu tư bởi nhiều công ty quản lý quỹ thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của từng phân khúc khách hàng.
Với những nhà đầu tư khẩu vị rủi ro thấp và trung bình, quỹ trái phiếu hay quỹ cân bằng là lựa chọn phù hợp. Còn quỹ cổ phiếu lại dành cho những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro để tìm kiếm khả năng sinh lời cao hơn. Tùy theo độ tuổi khác nhau, nhà đầu tư cũng có các sản phẩm phù hợp như quỹ hưu trí...
Độ tuổi nhà đầu tư tại các quỹ cũng ghi nhận xu hướng trẻ hóa. Theo bà Hạnh, sự thâm nhập cũng kiến thức tài chính cá nhân từ sớm giúp hình thành nhu cầu tích sản bài bản, tạo dư địa cho hình thức đầu tư qua quỹ phát triển.
Tại Dragon Capital Việt Nam, công ty đang quản lý tài sản cho hơn 150.000 nhà đầu tư, xu hướng trẻ hóa được thể hiện rõ qua lượng đăng ký tài khoản quỹ mở từ 2018 đến nay.
Các nhà đầu tư trẻ tuổi từng vắng bóng trong danh sách khách hàng của Dragon Capital giai đoạn 2018-2019, đạt sự tăng trưởng nhanh về số lượng lên 25% và 27% lần lượt vào các năm 2022, 2023. Ngoài ra, các nhà đầu tư trong độ tuổi 28-35 vẫn giữ động lực chính trong tỷ trọng nhà đầu tư tại Dragon Capital trong giai đoạn 5 năm qua.
Trong tương lai quỹ mở vẫn còn khả năng tăng trưởng bởi đến nay, thị trường mới ghi nhận khoảng 1,3 triệu tài khoản giao dịch quỹ mở, tương ứng khoảng 1,3% dân số. Trong khi, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán gấn gần 6 lần, đạt hơn 7,6 triệu tài khoản.
Khảo sát mới nhất được thực hiện bởi McKinsey, phát hành tháng 9/2023 dự đoán, thị trường quản lý tài sản tại Việt Nam có quy mô 600 tỷ USD đến năm 2027. Song, để phát huy những tiềm năng từ thị trường, các đơn vị cung cấp quản lý tài chính, các quỹ đầu tư cần có nhiều các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dùng, đồng thời, số hóa hoạt động đầu tư.
"Ở thời điểm này, nhà đầu tư đang lăn tăn trước những biến động. Liệu đầu tư có rủi ro không, theo tôi, có. Tuy nhiên, không đầu tư cũng ... rủi ro bởi không ai đoán được đáy hay đỉnh", bà Hạnh nói. Tuy nhiên, trong dài hạn khi nền kinh tế tăng trưởng sẽ kéo theo sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Việc phân bổ đầu tư theo hình thức mua tích lũy hàng tháng với tầm nhìn đầu tư dài hạn sẽ giúp nhà đầu tư tận dụng được sức mạnh của lãi kép và thời gian, qua đó xây dựng nền móng tích sản vững chắc.
Thảo Vân
Độc giả có thể đón đầu xu hướng đầu tư chứng chỉ quỹ cùng Dragon Capital http://Dragonx.com.vn |