TS Nguyễn Trọng Anh, Khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường, trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) và cộng sự đã sử dụng xỉ théptừ các lò quang điện, loại bỏ tạp chất, nghiền nhỏ thành hạt với kích thước 5-10 mm, giảm ma sát và tách từ tính.
Sau khi thu được vật liệu lọc ổn định, nhóm đưa vào thử nghiệm vật liệu tại một công ty chế biến thủy sản. Kết quả cho thấy, các hạt xỉ thép đã loại bỏ photpho hòa tan từ nước thải với hiệu suất hấp phụ lớn nhất đạt 0,29 mg photpho/g xỉ.
Trong xỉ thép có chứa canxi oxit (CaO) (chiếm tới 35 %). Đây là thành phần chính có khả năng hấp thụ các ion phophat trong nước thải. Ion này là nguy cơ gây ra hiện tượng phú dưỡng hóa, làm tăng sự xuất hiện của rong, tảo, suy giảm chất lượng nguồn nước.
"Thông qua cơ chế trao đổi ion và kết tủa, các ion photphat trong nước thải sẽ được hấp phụ nhờ CaO. Đây chính là lý do xỉ thép có khả năng loại bỏ photpho trong nước thải", TS Anh nói.
Bản thân xỉ thép là một loại chất thải, do vậy việc ứng dụng xỉ thép vào xử lý nước thải chế biến thủy sản mang lại lợi ích kép, vừa loại bỏ chất ô nhiễm, vừa tái chế bã thải hữu ích, giảm thiểu chi phí.
"Sử dụng xỉ thép giúp giảm được lượng hóa chất điều chỉnh pH và giảm lượng bùn sinh ra, loại bỏ triệt để so với các phương pháp khác", TS Anh nói. Phương pháp này mở ra triển vọng về vật liệu rẻ nhưng có tác dụng tương tự than hoạt tính, hạt nhựa polymer.
Hiện một số hộ trang trại nông nghiệp địa phương đã ứng dụng vật liệu này để xử lý nước thải. Như trang trại ông Huỳnh Thanh Sơn, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai xây dựng quy trình xử lý bằng xỉ thép được thiết kế với lưu lượng 30 m3/ngày, giúp hạn chế mùi, loại bỏ 85% hàm lượng nito, photpho gây ô nhiễm nước và môi trường xung quanh.
Nguyễn Xuân