Nhiệm vụ đẩy mạnh công nghệ viễn thám phục vụ lĩnh vực công nông nghiệp, du lịch được nhấn mạnh tại Đại hội Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 sáng 7/11.
Phát biểu tại Đại hội, PGS.TS Phạm Ngọc Lãng, Phó Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam cho biết, giai đoạn vừa qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam được phát triển và đạt một số thành quả, như thiết kế hệ thống điều khiển tên lửa TV-01, thiết bị viễn trắc, tiếp cận các công nghệ viễn thám mới.
Trong đó, các công nghệ viễn thám bước đầu được ứng dụng và phục vụ trong nông nghiệp, lâm nghiệp như các thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu, nhận diện cây trồng sâu bệnh nhờ tích hợp IoT, Big Data.
Nhờ áp dụng công nghệ viễn thám, Việt Nam đã xây dựng được bản đồ các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa, và bản đồ điều tra tài nguyên thiên nhiên. Việc phóng thành công vệ tinh viễn thám VNREDSAT 1 lên quỹ đạo năm 2013 giúp Việt Nam lần đầu tiên hoàn chỉnh hệ thống viễn thám, cung cấp cảnh độ phân giải cao 2,5 m phục vụ quốc phòng, anh ninh và các ngành khác.
Theo TS Nguyễn Xuân Lâm, thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình Công nghệ Vũ trụ Quốc gia, cách tiếp cận công nghệ vũ trụ tại Việt Nam bắt đầu từ thử nghiệm các ứng dụng viễn thám ở các bộ ngành. Tiếp theo, xây dựng Trạm thu ảnh viễn thám và Trung tâm xử lý ảnh và lưu trữ dữ liệu viễn thám năm 2008.
Để nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ viễn thám, việc phát triển cơ sở dữ liệu là nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện trong giai đoạn sắp tới, để có thể tạo thành "hệ sinh thái thông tin". Dữ liệu này bao gồm viễn thám đa thể loại từ ảnh miễn phí đến các loại ảnh thương mại có độ phân giải cao, ảnh radar, ảnh đa phổ, ảnh siêu phổ, thông tin các thiết bị cảm biến gắn trên vệ tinh, trạm mặt đất điều khiển vệ tinh và thu giữ ảnh và dữ liệu.
Trong các Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ vũ trụ cấp quốc gia từ 2008-2020, số lượng đề tài viễn thám chiếm đến 60%. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng các hoạt động công nghệ viễn thám, vũ trụ Việt Nam hiện nay chưa có sự tham gia và đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân, trong khi đây cũng là nguồn lực chính trong nghiên cứu, đầu tư công nghệ vũ trụ. "Do vậy, cần xây dựng các luật công nghệ vũ trụ Việt Nam làm cơ sở pháp lý để giúp khối doanh nghiệp-tư nhân tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ viễn thám Việt Nam", ông nói.
Trong giai đoạn 5 năm tới, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện và ứng dụng kết quả các nghiên cứu công nghệ vũ trụ phục vụ nhu cầu kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, việc hợp tác quốc tế cần được coi trọng và triển khai. Đồng thời, kết nối các chuyên gia quốc tế để hỗ trợ tư vấn công nghệ, tạo điều kiện hợp tác giữa các nhà nghiên cứu viễn thám trong nước với khối doanh nghiệp tư nhân, để đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu và triển khai những dự án về hàng không-vũ trụ trong nước.
Nguyễn Xuân