- Ông đánh giá thế nào về trận hòa 0-0 của Việt Nam trên sân Thái Lan?
- Hòa trên sân đối thủ ngang cơ chứng tỏ hàng phòng ngự Việt Nam chơi tốt. Dù vẫn còn một số lỗ hổng bên cánh phải để Thái Lan khai thác, chúng ta đã đảm bảo được sự an toàn cho khung thành và giữ được thế trận, không bị lép vế trước đối thủ. Tôi đọc thống kê sau trận, thấy Thái Lan cầm bóng nhiều hơn nhưng phần lớn thời gian giữ bóng của họ diễn ra bên phần sân nhà. Mỗi khi Thái Lan có ý định đẩy bóng lên, hệ thống phòng ngự Việt Nam đều hóa giải thành công nhờ cự ly đội hình chặt chẽ, hợp lý.
Điều tôi mừng nhất là Việt Nam không có pha phạm lỗi nào xung quanh cấm địa, khu vực đối thủ có thể sút phạt thành bàn. Đó là một bước tiến lớn so với AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, những giải đấu mà Việt Nam thường thua ở các tình huống cố định. Thái Lan có những cầu thủ sút phạt tốt nhưng không có cơ hội thể hiện thế mạnh này. Đầu hiệp một, tôi nhớ có một tình huống Quế Ngọc Hải bị đồng đội chuyền khó và có nguy cơ mất bóng. Tuy nhiên, cậu ấy đã tỉnh táo phạm lỗi chiến thuật từ xa, thay vì cố tranh chấp để Thái Lan dẫn bóng vào sâu hơn.
Toàn bộ cầu thủ, cả chính thức lẫn vào sân từ ghế dự bị, đều chơi cố gắng tới phút cuối. Tôi hài lòng với tinh thần chiến đấu của Việt Nam. Duy chỉ hơi đáng tiếc ở vị trí tiền đạo. Nếu Công Phượng đá chính, làm nhiệm vụ quấy phá, hàng thủ Thái Lan có thể xuống sức và bộc lộ nhiều sơ hở hơn vào cuối trận. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng tốc độ vào lúc này để tìm bàn thắng. Dù vậy, một điểm ở trận ra quân vòng loại World Cup 2022 vẫn là kết quả làm đông đảo người hâm mộ hài lòng.
- Tuấn Anh là một cầu thủ có thiên hướng tấn công, luân chuyển bóng tốt. Theo ông, HLV Park sử dụng cầu thủ này suốt 90 phút là ý đồ gì?
- Để Tuấn Anh đá chính đã là nước cờ cao của Park. Ai cũng biết là Việt Nam sẽ chơi phản công, và số đông tin Việt Nam sẽ để Huy Hùng hoặc Đức Huy - những người có thiên hướng phòng ngự, tranh chấp tốt - đá cặp với Hùng Dũng. Nhưng qua 90 phút ở sân Thammasat, chúng ta đều công nhận rằng kỹ năng phòng ngự của Tuấn Anh không tồi. Cậu ấy có thể không quá mạnh mẽ khi tranh chấp, hoặc có những pha tắc bóng quyết liệt, nhưng bù lại, Tuấn Anh đọc trận đấu tốt và biết cách che chắn cho hàng thủ, lúc cần cũng sẵn sàng phạm lỗi để chặn đà hưng phấn của Thái Lan.
Trong các tuyến, tiền vệ trung tâm là khu vực chật chội nhất của Việt Nam, bởi trong sơ đồ của HLV Park Hang-seo chỉ có hai suất cho vị trí này. Chọn ai trong số Hùng Dũng, Tuấn Anh, Huy Hùng, Đức Huy sẽ phụ thuộc vào ý đồ của ông Park. Với Tuấn Anh, Việt Nam luôn tiềm ẩn khả năng gây sát thương từ tuyến dưới. Tôi theo dõi Tuấn Anh từ khi cậu ấy mới nổi trong màu áo U19 Đông Nam Á. Những chấn thương liên miên khiến Tuấn Anh nhiều lần lỡ dở với màu áo đội tuyển. Tuy nhiên, ông Park vẫn đặt niềm tin vào tiền vệ này nhờ việc luôn sâu sát phong độ, thể lực và tinh thần của từng học trò.
Trong bóng đá, khó có thể nói rạch ròi về chuyện phòng ngự hay tấn công. Khi cần giữ tỷ số, không phải lúc nào một đội cũng bố trí dày đặc cầu thủ ở phía dưới. Đá với Thái Lan như thế rất nguy hiểm bởi sức ép từ khán đài và những tiểu xảo của đối thủ có thể khiến hậu vệ bị phân tâm. Dùng Tuấn Anh, một tiền vệ cầm được bóng và biết điều tiết nhịp độ trận đấu, là cách lưỡng toàn của ông Park. Chúng ta vừa có thể phòng ngự một cách chủ động, vừa có thể phản công bất cứ lúc nào.
- Hai ngôi sao hàng đầu của hai đội là Quang Hải và Chanathip đều không có nhiều đất diễn. Nguyên nhân là vì sao?
- Hai cầu thủ này đều tập trung muộn, vì bận thi đấu cho CLB. Họ bước vào trận đấu với dấu hỏi về thể lực. Cộng thêm sân trơn khiến lối chơi thiên về kỹ thuật của cả Quang Hải lẫn Chanathip không phát huy nhiều tác dụng.
Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề thực sự của Quang Hải và Chanathip nằm ở những đồng đội xung quanh. Với cầu thủ tấn công, không thể đòi hỏi họ liên tục tạo đột biến trong cả trận. Nhiệm vụ của đội bóng là phải ở trạng thái sẵn sàng, mỗi khi ngôi sao trong đội tung ra những đường chuyền sáng nước, hoặc tạo ra khoảng trống quanh cấm địa. Với Việt Nam, chúng ta thiếu một tiền đạo có khả năng hoạt động độc lập, biết giữ lại quả bóng để đột phá hoặc chờ đồng đội. Văn Toàn, Công Phượng có tốc độ nhưng chỉ thực sự nguy hiểm khi băng từ dưới lên. Tiến Linh thì thua thiệt thể hình so với cặp trung vệ cao 1m90 phía bên kia. Còn với Thái Lan, HLV Akira Nishino không sử dụng tiền đạo thực thụ. Chanathip có vài đường chọc khe hay nhưng người chơi cao hơn trên hàng công xử lý không gọn và để cơ hội trôi qua.
Tôi muốn nói thêm về sơ đồ không tiền đạo của Thái Lan. Nhiều người chê HLV Nishino tiêu cực, thậm chí sợ thua Việt Nam trên sân nhà. Nhưng kỳ thực, tư duy của ông ấy rất hiện đại. Thái Lan chỉ tập trung tấn công biên trái, với sự tham gia của Supachok Sarachat và Theerathon Bunmathan, rồi đổi hướng đột ngột cho người chơi biên phải là Thitipan Puangchan xâm nhập cấm địa. Supachai Jaided có thể đá tiền đạo tốt hơn, nhưng có thể cậu ấy không đảm bảo được chiến thuật này. Ngoài ra, khi không có bóng, hai cầu thủ đá cao nhất của Thái Lan luôn áp sát hai hậu vệ biên của Việt Nam là Trọng Hoàng và Hồng Duy. Ở AFF Cup 2018, Việt Nam nhiều lần chuyền vượt tuyến từ những vị trí này để tạo cơ hội ghi bàn. Đầu trận đấu hôm qua, Hồng Duy suýt thành công, nhưng đó là lúc Thái Lan chưa bắt nhịp được trận đấu. Còn khi họ vào guồng, miếng đánh bất ngờ của Việt Nam không thể tái diễn.
- Ở phát biểu sau trận, HLV Park Hang-seo tỏ ý tiếc khi chỉ giành một điểm. Tại sao như vậy?
- HLV Park tiếc vì không có bàn thắng trong một trận đấu mà ông ấy đã dự đoán và toan tính chiến thuật hợp lý. Việt Nam nhập cuộc tốt hơn và có cơ hội sớm ngay phút đầu tiên của Văn Toàn. Park Hang-seo nhìn ra được điểm yếu về tốc độ của cặp trung vệ Thái Lan, và sớm tăng cường sức ép sau giờ nghỉ khi đưa Công Phượng thế chỗ Tiến Linh. Nếu điều kiện sân bãi tốt hơn, Văn Toàn, Công Phượng đã có thể sút tung lưới Thái Lan ở cuối trận.
Thắng Nguyễn