Từ tháng 2, thị trường bất động sản trầm lắng do ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, gần cuối tháng 4 - thời gian nới giãn cách xã hội khi Việt Nam chứng minh khả năng ứng phó dịch bệnh hiệu quả với thế giới, các giao dịch bắt đầu rục rịch trở lại tại nhiều phân khúc: căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng... Làn sóng dịch chuyển, mở rộng sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài mở ra cơ hội lớn cho bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 12,33 tỉ USD. Bất động sản là một trong 18 ngành, lĩnh vực thu hút dòng tiền ngoại với tổng vốn đăng ký 665 triệu USD. Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp địa ốc nước ngoài. Ngoài điều kiện tự nhiên phong phú, thích hợp phát triển nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Cơ sở hạ tầng - cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hệ thống kho bãi - tương đối tốt, tình hình chính trị ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong top nhanh nhất thế giới cũng là điểm cộng cho Việt Nam.
Trong trạng thái bình thường mới, bức tranh bất động sản của Việt Nam sẽ thay đổi theo chiều hướng nào? Các doanh nghiệp cần làm gì để đón dòng vốn đầu tư FDI? Cơ hội, thách thức, giải pháp nào thúc đẩy bất động sản trong nước phát triển? Đây sẽ là những nội dung được các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp bàn thảo trong tọa đàm trực tuyến "Thu hút FDI vào bất động sản Việt Nam hậu khủng hoảng", phát sóng trực tiếp vào 9h sáng 27/5 trên VnExpress.
Các diễn giả góp mặt trong chương trình là PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land; ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham); bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn và Định giá, CBRE Việt Nam.
Các chuyên gia sẽ đánh giá tác động của Covid-19 lên thị trường bất động sản. Phân tích cách doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng. Nhận định về làn sóng dịch chuyển sản xuất tác động đến thị trường bất động sản công nghiệp. Dự báo về những kịch bản triển vọng cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thời gian tới...
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm thị trường, các diễn giả cũng sẽ bàn luận hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội khai thác các nhóm nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore tại phân khúc trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, khách sạn ở vị trí trung tâm. Trong khi đó, các quỹ đầu Mỹ và châu Âu nhắm tới sản phẩm nhà ở tại Việt Nam.
Với những doanh nghiệp bất động sản trong nước, hiện nguồn tín dụng ngân hàng có phần khó khăn hơn trước. Một số đơn vị đã linh hoạt tìm hướng tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại quốc tế. Mới đây Novaland hoàn tất tiếp nhận khoản giải ngân thứ hai 101 triệu USD (từ khoản vay vốn quốc tế 250 triệu USD) thu hút sự quan tâm thị trường. Đây được xem là ví dụ để các diễn giả đánh giá khả năng vay vốn các tổ chức tín dụng nước ngoài của doanh nghiệp địa ốc Việt. Ngoài ra, những giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông dòng vốn, tạo lực cho bất động sản phát triển bền vững cũng sẽ là chủ đề các chuyên gia phân tích, chia sẻ.
Độc giả có thể đặt câu hỏi cho chuyên gia tại phần bình luận phía dưới.
Minh Chi
Chương trình "Tọa đàm kinh tế: Kịch bản cho tương lai" bàn về các kịch bản của nền kinh tế Việt Nam, về "trạng thái bình thường mới" trong và sau đại dịch Covid 19. Đại diện các Bộ Ban ngành, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế sẽ cùng nhau bàn luận các giải pháp, tìm hướng đi trong tương lai, nhất là các ngành bị nhiều ảnh hưởng như Du lịch, Hàng không, Vận chuyển, Sản xuất, Nông nghiệp, Bất động sản, An ninh mạng...