Năm 2014, tôi là một trong hai sĩ quan đầu tiên của Việt Nam lên đường đi làm nhiệm vụ sỹ quan liên lạc tại phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan. Lúc đó, ở nhiều vùng của đất nước xa lạ này không có sóng điện thoại, không internet, 3G, 4G... Trong những hoạt động quân sự dài ngày, không thể đọc báo là nỗi bứt rứt, khiến tôi càng thêm nhớ quê hương.
Tôi tìm cách khắc phục. Trước mỗi chuyến đi áp tải, bảo vệ hàng cứu trợ, hoặc chiến dịch quân sự dài ngày, tôi mở VnExpress, in nhiều bài báo ra giấy. Trước đó, tôi cũng đã lưu vào phần note trong điện thoại những bài mình muốn đọc, thậm chí chụp ảnh màn hình các bài báo của VnExpress trong máy tính của Liên Hợp Quốc để mang theo trên đường làm nhiệm vụ.
Nhờ đó, những tháng ngày lênh đênh trên sóng nước sông Nile cùng tàu hàng cứu trợ nhân đạo, hay nhiều ngày ngồi dưới tán cây bao báp để bảo vệ dân thường, bảo đảm an toàn cho nhân viên các tổ chức quốc tế...., tôi vẫn có đầy đủ thông tin về mọi mặt đời sống đất nước, bằng việc đọc thật chậm những bài báo mang theo.
Nhiều lần đi qua khu vực các nhóm vũ trang kiểm soát, sau những thời khắc đấu tranh, đàm phán căng thẳng, các tay súng cũng trở nên thân thiện, hỏi thăm tôi về Việt Nam. Họ băn khoăn liệu Việt Nam có còn chiến tranh không, chữ viết của người Việt Nam như thế nào? Tôi liền mở điện thoại, đưa cho họ xem các bài báo của VnExpress mà mình đã lưu. Họ rất thích thú với chữ viết latin có nhiều dấu, khác với bộ chữ A rập ngoằn nghèo của họ.
Những người lính đó dù đọc được, họ không hiểu nội dung bài báo. Vậy là tôi dịch cho họ nghe, rồi cả trạm gác cùng phá lên cười vui vẻ. Nhiệm vụ qua trạm kiểm soát coi như xong.
Sau khi về nước, VnExpress vẫn là ứng dụng đầu tiên tôi mở để đọc khi bắt đầu ngày mới. Cảm ơn quý báo vì những thông tin hữu ích, về những tuyến bài rất hay về những người lính gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Nhân dịp VnExpress tròn 20 tuổi, tôi xin dành những lời chúc tốt đẹp nhất, gửi đến toàn thể cán bộ, phóng viên, mong tất cả mọi người luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, xây dựng tờ báo ngày càng phát triển, để phụng sự bạn đọc, đặc biệt là những người sống và làm việc ở nước ngoài.
Mạc Đức Trọng
Đại tá, Cục phó Gìn giữ Hòa bình Việt Nam