Streamer, nhà sáng tạo nội dung đề cập ý trên ở tham luận "KOC - kết nối mới giữa thương hiệu và người tiêu dùng", tại Hội thảo chuyển đổi số ngành sáng tạo nội dung, thuộc khuôn khổ ngày hội Vietnam iContent 2024, chiều 30/11.
Theo đó, KOC đóng vai trò quan trọng, trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ và đưa ra nhận xét, đánh giá dựa trên quan điểm cá nhân mà không bị chi phối, phụ thuộc vào bất cứ kênh truyền thông hay đơn vị nào.
ViruSs lý giải sau đại dịch, thị hiếu tiêu dùng và phương thức mua hàng thay đổi. Người dân hạn chế ra đường, chủ yếu mua sắm qua các sàn thương mại điện tử, nền tảng livestream, website hoặc post (bài đăng) của KOC.
"Thói quen, thao tác mua sắm của Gen Z khác hẳn thế hệ trước. Do đó, KOC vừa là tiếng nói, đại diện hình ảnh cho mọi nhãn hàng". Họ có thể kiếm bộn tiền chỉ với chiếc điện thoại và chăm chỉ.
Anh chỉ ra trên thị trường quảng cáo số, có nhiều KOC kiếm được hàng tỷ đồng ở mỗi phiên livestream, dù họ không phải là dân chuyên nghiệp, không làm việc cho công ty, hệ sinh thái đó.
"Các nền tảng như Meta, TikTok lẫn doanh nghiệp, điển hình Vinamilk, Unilever... rất cần KOC - người giúp họ quảng bá sản phẩm, tăng độ nhận với công chúng và xây dựng thương hiệu hiệu quả hơn", anh nói.
ViruSs nhận định 4 yếu tố giúp KOC thành công gồm: content (nội dung) sáng tạo, hiểu insight (nội tâm, tâm lý) người dùng cùng kênh mạng xã hội (social channel) và hệ thống mega livestream để truyền thông rộng rãi.
Một phiên livestream không thú vị sẽ rất khó bán hàng, do đó, bản thân mỗi KOC cũng cần nâng cấp bản thân, liên tục cập nhật sản phẩm, làm mới tư duy và minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, ViruSs cho rằng doanh nghiệp cũng nên đánh mạnh mảng thương mại điện tử, giúp giảm chi phí marketing. Họ cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ để chọn KOC phù hợp, qua đó kết nối với người tiêu dùng. Quan trọng nhất, các nhãn hàng nên hạ kỳ vọng "bán được nhiều hàng và lời cao", thay vào đó "bán tốt nhưng lãi thấp".
Hiện ở một số kênh sáng tạo nội dung, người tiêu dùng có thể nhắn tin trực tiếp trên nền tảng cho cá nhân cụ thể (không qua điện thoại, Fanpage trung gian), nhận tư vấn trực quan, tiện thể hiện cảm xúc.
"KOC là phương thức, nghề nghiệp quan trọng, phát triển nhanh trong tương lai. Các cá nhân nên tham gia càng sớm càng tốt vì hiện khoảng trống còn nhiều. Doanh nghiệp nên phát triển nhiều kênh, triển khai chiến dịch kết hợp KOL và nhãn hàng, qua đó đưa sản phẩm đến gần người dùng, tăng doanh số.
ViruSs tên thật Đặng Tiến Hoàng sinh năm 1990, từng là đội trưởng Hanoi Dragons - đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại có tiếng trong nước. Sau khi rẽ hướng thành streamer, bình luận các giải eSports, anh đạt nhiều thành tựu nhờ kinh nghiệm thi đấu dày dặn, kiến thức chuyên sâu về Liên Minh Huyền Thoại cùng sự hài hước. Có những buổi phát sóng, fan dành cho ViruSs mức donate (quyên góp) đến 100 triệu đồng. Anh còn nhiều lần được đề cử top streamer châu Á, hút lượng theo dõi lớn.
Bên cạnh chơi game, anh còn thực hiện những video reaction (bình luận về video ca nhạc mới ra mắt). ViruSs cũng tham gia viết nhạc, hợp tác trong loạt hit Thằng điên, Trời giấu trời mang đi, Hơn em chỗ nào..., đồng thời góp mặt trong một số game show, phim ngắn, kinh doanh...
Vietnam iContent 2024 nhằm tôn vinh những cá nhân, tập thể có đóng góp nổi bật trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, học hỏi và kết nối giữa các cá nhân. Sự kiện do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp tổ chức cùng Báo VnExpress, Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online).
Đông Vệ