Công bố thống kê số bài báo quốc tế năm 2022 được SCImago, tổ chức chuyên cung cấp thông tin về chất lượng nghiên cứu khoa học của các quốc gia, trụ sở tại Tây Ban Nha, đưa ra hồi đầu tháng 5. Trong khu vực, Việt Nam xếp sau Malaysia (thứ 23), Indonesia (thứ 25), Thái Lan (thứ 35) và Singapore (thứ 36). Ba quốc gia dẫn đầu gồm Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Trong đó, Trung Quốc có hơn 1 triệu công bố, gấp 1,4 lần so với Mỹ và 3,6 lần so với Ấn Độ.
Chia sẻ với VnExpress, một số nhà khoa học nhìn nhận Việt Nam duy trì thứ hạng thuộc top 50 suốt ba năm liên tiếp với số công bố quốc tế ở mức hơn 18.000 không phải con số thấp.
TS Lê Duy Tân, Đại học Quốc tế, ĐHQG TP HCM, cho biết số công bố này chỉ bằng 1,84% của Trung Quốc (1.009.891 bài) và 2,63% của Mỹ (702.840 bài). "Song thú vị ở chỗ, chỉ số trích dẫn theo từng bài nghiên cứu (Citations per document) của Việt Nam (1.22) cao hơn Trung Quốc (1.12) và Mỹ (1.05)", TS Tân nói.
TS Phạm Hiệp, trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới giáo dục Reduvation, Trường ĐH Thành Đô, đồng trưởng nhóm nghiên cứu Khoa học giáo dục và Chính sách, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, cho biết xét về số lượng công bố quốc tế ở từng giai đoạn cho thấy năng lực nghiên cứu khoa học của Việt Nam vẫn thuộc nhóm tăng trưởng nhanh.
Theo TS Hiệp, cách đây 5-10 năm số công bố quốc tế của Việt Nam chỉ khoảng 1/5 so với hiện nay, tăng trong khoảng từ năm 2012-2015 và tăng mạnh trong giai đoạn 2017-2020. Các lĩnh vực ở top cao thường là vật lý, toán học, khoa học máy tính, vật liệu hay kinh tế kinh doanh, trong một số phân ngành hẹp, Việt Nam cũng có một số ngành (tùy năm) đứng thứ 30. "Điều này phản ánh đúng sự vận động của cộng đồng học thuật Việt Nam trong khoảng chục năm vừa qua", anh nói.
Biểu đồ dựa trên dữ liệu của SCImago về số công bố quốc tế của Việt Nam (2015-2022)
TS Hiệp cho biết, giai đoạn từ năm 2020 đến nay, số công bố quốc tế của Việt Nam bắt đầu chững lại, lượng bài tăng qua các năm không đáng kể. Lý giải về điều này, theo anh việc Việt Nam hụt một lượng bài báo quốc tế đáng kể do hai trường Đại học Tôn Đức Thắng và Duy Tân đóng góp. Anh cho biết cách đây vài năm, hai trường này sử dụng chính sách hợp tác quốc tế tương đối mạnh, nhưng sau đó thay đổi chính sách dẫn tới việc số lượng bài báo quốc tế giảm.
Tuy nhiên xét tổng chung, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam không giảm nhiều. "Số công bố quốc tế được bù lại bằng nỗ lực của các cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong cả nước, các đơn vị có đà tăng trưởng, giữ mức ổn định với mức trên 1.000 bài mỗi năm", anh cho hay. Theo TS Hiệp, nhiều cơ sở như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, Đại học Bách Khoa hay Kinh tế quốc dân, Viện Hàn Lâm khoa học và công nghệ... gần đây đều có những chính sách hỗ trợ công bố quốc tế tốt.
Anh nhận định, con số hơn 18.000 công bố vẫn cho thấy sự vươn lên mạnh của các trường về tập trung nghiên cứu khoa học và là nền móng tốt cho khoa học. "Ba năm liền giữ vững trong top 50 cho thấy nền móng chắc chứ không phải lâu đài trên cát", TS Hiệp nói.
Còn TS Lê Duy Tân nhìn nhận, bảng xếp hạng của Scimago hiện vẫn chủ yếu là đếm số lượng bài, chưa thể dựa vào đó để đánh giá chất lượng của các công trình nghiên cứu.
Hiện Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Nafosted, nhiều cơ sở giáo dục đại học như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, ĐH Kinh tế TP HCM... gần đây đều có chính sách hỗ trợ công bố quốc tế.
TS Tân dẫn ví dụ từ ĐHQG TP HCM hàng năm đều có các đề tài cơ sở, đề tài nghiên cứu Khoa học loại A, B, và C với chỉ tiêu đặt ra là các sản phẩm khoa học, bài báo được quy định cụ thể. Chưa kể, nhiều trường đại học còn đặt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thành KPI chi tiết cho giảng viên, đòi hỏi họ phải dành ít nhất 40% thời gian làm việc thực hiện nghiên cứu khoa học. "Do đó có thể hy vọng rằng nghiên cứu khoa học tại Việt Nam đang chuyển dịch từ tập trung vào số lượng sang chất lượng. Điều này thúc đẩy việc sản xuất nhiều công trình nghiên cứu thiết thực hơn, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước", TS Tân nói.
TS Phạm Hiệp cũng cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải nghĩ tiếp về con đường phát triển của khoa học. "Việc chọn đi tiếp theo đuổi về số lượng hay điều chỉnh chính sách để tập trung chất lượng, cần thiết có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các trường đại học", anh nói.
SCImago đưa ra thống kê về số công bố quốc tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus của nhà xuất bản Elsevier. Bảng xếp hạng SCImago bắt đầu từ năm 1996 và được công bố mỗi năm một lần. Hoạt động với mục tiêu cung cấp thông tin về chất lượng nghiên cứu khoa học của các quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, mức độ uy tín của các tạp chí.
Như Quỳnh