*UAE - Việt Nam: 23h45 thứ Ba 15/6, trên VnExpress.
UAE từng thua Việt Nam ở Mỹ Đình tháng 11/2019, nhưng vẫn thuộc nhóm đội mạnh thứ hai châu Á, chỉ sau những khách quen World Cup như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran hay Australia. Cuộc tái ngộ của Park Hang-seo và Bert van Marwijk lần này sẽ khác nhiều, khi UAE đón trung phong Ali Mabkhout trở lại. Mabkhout đang dẫn đầu danh sách ghi bàn ở vòng loại với 10 bàn chỉ qua sáu trận. Hơn nữa, Marwijk còn bổ sung cặp chạy cánh nhập tịch Fabio de Lima và Caio Canedo. Ba cầu thủ này sẽ thử thách sức mạnh thực sự của hàng phòng ngự Việt Nam. UAE đang khát khao thắng hơn bao giờ hết, và họ còn được chơi trên sân nhà.
Vòng loại cuối cùng World Cup thường là nơi cạnh tranh của 10 đến 12 đội mạnh nhất thuộc Liên đoàn Bóng đá châu Á AFC. Còn UAE đã ba lần vào vòng loại cuối trong năm kỳ World Cup gần nhất, trong đó năm 2002 họ vào tới vòng play-off nhưng thua Iran. Việt Nam nếu vào vòng loại cuối lần đầu tiên trong lịch sử, sẽ không thể gặp những đội dễ chơi hơn UAE. Vì thế trận quyết chiến tối 15/6 trên sân Zabeel không chỉ tranh chấp đỉnh bảng G, mà còn cho thấy Việt Nam có cơ hội đến đâu nếu đi tiếp.
Trước đây Việt Nam đã dự bảy vòng loại World Cup, nhưng đều chưa đến gần cơ hội vào vòng loại cuối. Ở World Cup 2002, Việt Nam đứng nhì bảng vòng loại đầu tiên. Nhưng chỉ có đội đầu bảng mới được đi tiếp, còn đội tuyển lúc đó kém đỉnh bảng của Saudi Arabia tới sáu điểm. Ở World Cup 2018, Việt Nam đứng thứ ba ở vòng loại thứ hai, kém suất đi tiếp của Iraq năm điểm.
Dưới tay HLV Park Hang-seo, Việt Nam lại đang có hơn 99% cơ hội. Lần này có lẽ không phải tính đội tuyển kém suất đi tiếp bao nhiêu, mà là thừa bao nhiêu điểm. Việt Nam cũng đứng trước cơ hội trở thành đội thứ hai ở Đông Nam Á vào tới vòng loại cuối World Cup, sau Thái Lan. Indonesia từng dự World Cup 1938, nhưng khi đó họ không phải đá vòng loại. Còn Thái Lan đã hai lần vào vòng loại cuối World Cup 2002 và 2018.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không muốn rơi vào cảnh trở thành "bao cát" như Thái Lan trước đây. Thái Lan đã chơi 18 trận ở vòng loại cuối World Cup mà không thắng trận nào. Họ chỉ hoà sáu và thua 12 trận. Vòng loại cuối World Cup 2002 vắng Nhật Bản và Hàn Quốc, giúp Thái Lan kiếm bốn điểm. Còn ở vòng loại cuối World Cup 2018, thầy trò Kiatisuk Senamuang chỉ giành hai trên 30 điểm tối đa. Kết quả là Kiatisuk bị Liên đoàn Bóng đá Thái Lan chấm dứt hợp đồng.
Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á sẽ gồm 12 đội, chia làm hai bảng mỗi bảng sáu đội. Các đội đá vòng tròn hai lượt sân nhà, sân khách để chọn ra hai đội nhất và nhì mỗi bảng dự World Cup. Hai đội thứ ba mỗi bảng sẽ đá play-off hai lượt, đội thắng sẽ tranh suất World Cup với một đối thủ ở liên đoàn khác. Bốn suất đầu tiên thường thuộc về Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và Australia. Nhưng, Iran đang có nguy cơ bị loại nếu không thắng Iraq ở lượt cuối bảng C. Nếu điều đó xảy ra, một đội thuộc nhóm hai châu Á như UAE có nhiều cơ hội hơn dự World Cup.
Nếu thắng UAE tối 15/6, Việt Nam có thể nghĩ tới việc cạnh tranh với các đội nhóm hai ở vòng loại cuối. Thầy trò Marwijk đang có phong độ cao với ba trận thắng liên tiếp, lại được chơi trên sân nhà với nhiều lợi thế. Khi hạ UAE trong bối cảnh khó khăn như vậy, thầy trò Park cũng có thể thắng Trung Quốc, Iraq, Uzbekistan, Syria hay Oman.
Tại Asian Cup 2019, Việt Nam thua Iraq 2-3 ở phút cuối, dù không bị yếu thế. Ở tứ kết, Quế Ngọc Hải và đồng đội cũng chỉ thua Nhật Bản bởi một quả phạt đền. Việt Nam có thể khó thắng những đội mạnh, nhưng cũng không dễ bị khuất phục.
Lứa cầu thủ mà thầy Park đang có trong tay đã chinh chiến cùng nhau nhiều năm, thậm chí hơn chục năm. Họ cũng đang bước vào độ chín và sẵn sàng gây bất ngờ nếu được vào vòng loại cuối. Việt Nam cần đạt thành tích cao ở đó, hoặc ít nhất trở thành đội Đông Nam Á đầu tiên thắng một trận ở vòng loại cuối, để làm đòn bẩy hướng tới World Cup 2026. Khi đó, châu Á có tới tám suất và cơ hội lịch sử cho Việt Nam sẽ rộng mở hơn lúc nào hết.
Xuân Bình