Sau trận thắng Việt Nam 3-0 ở Mỹ Đình năm 2015, Kiatisuk, khi đó là HLV trưởng của Thái Lan, đã nói một câu vừa có tính chất xoa dịu nhưng cũng hết sức ngạo mạn, đại ý là: Việt Nam đừng thất vọng về kết quả này vì Thái Lan xứng đáng đại diện cho Đông Nam Á dự vòng loại cuối cùng.
Bóng đá Đông Nam Á suốt hai thập niên qua, dù có những cuộc đấu nội bộ tại AFF Cup và SEA Games, nhưng loanh quanh cũng chỉ có vài cái tên Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Singapore. Hữu ích thì cũng có hữu ích, danh vị thì cũng quyến rũ, nhưng giá trị của các sân chơi mang tính kèn cựa nhau ấy không lớn. Kỳ thực, Thái Lan đã chán phải bơi trong cái ao làng ấy bởi sự thống trị của họ với bảy HC vàng SEA Games liên tiếp và ba chức vô địch AFF Cup cũng chẳng giúp cho đội bóng của Kiatisuk có nổi một chiến thắng tại vòng loại cuối cùng World Cup 2018, kết thúc cuộc phiêu lưu với vỏn vẹn hai điểm kiếm được khi cuộc chơi gần tàn. Thậm chí, họ còn thua Iraq cả lượt đi lẫn lượt về dù đây là đối thủ mà họ từng cầm hòa hai trận khi nằm chung bảng F với Việt Nam.
Nếu phải tìm một người nước ngoài hiểu rõ về bóng đá Việt Nam nhất, thì đó là Kiatisuk. Thế hệ của ông và những Taiwan Sripan, Dusit... đã xây dựng nên một đế chế ở làng cầu Đông Nam Á, tạo nền tảng cho bóng đá Thái Lan nghĩ đến chuyện vươn tầm thế giới. Trên những thành quách đồ sộ mà người Thái xây dựng, có vô vàn nỗi tiếc nuối, cay đắng và cả hổ thẹn của bóng đá Việt Nam. Trong đó có bốn trận chung kết SEA Games, ba trận bán kết AFF Cup... Nhiều thất bại không thể lý giải nổi.
Có một chi tiết: Ngay ở thời đỉnh cao của mình, thế hệ Kiatisuk và sau đó là một số đàn em đều sang Việt Nam chơi bóng ở V-League thời kỳ 2004-2008. Hiểu ở một khía cạnh nào đó, thì trình độ chơi bóng của cầu thủ hai bên là như nhau. Nhưng khi đứng thành một đội ngũ, Thái Lan luôn ở trên một tầm so với các đồng đội tại CLB Việt Nam. Sự khác biệt đó, cho đến khi từ giã sân cỏ, Kiatisuk từng giải thích, đại loại: Trong khi Thái Lan nghĩ đến chuyện vươn đến nhóm đầu châu lục thì dường như Việt Nam chỉ nghĩ đến chuyện phải thắng Thái Lan. Ham muốn đó nhiều đến mức, biến thành một nỗi sợ. Sợ nhiều đến mức, ngay cả khi thắng Thái Lan ở một vài trận đấu hiếm hoi, thì người Việt Nam lại tự hỏi: Chúng ta thắng có xứng đáng không? Bóng đá Thái Lan và Việt Nam trước đây, cho dù mọi thứ có giống nhau, thì vẫn khác biệt về vị thế trong các cuộc đối đầu. Nói cách khác, chính cầu thủ Việt luôn tự đặt mình ở cái thế kém hơn người Thái trước khi bóng lăn.
Khi dự báo Việt Nam có thể sẽ háo thắng và trả giá, đó cũng là cách mà Kiatisuk cố ý nhắc đến điểm yếu lớn nhất của Việt Nam. Nhưng đó là câu chuyện của ba năm trước.
Thái Lan có 20 năm "dọa nạt" khắp Đông Nam Á, nhưng họ chỉ hai lần vào đến vòng đấu loại cuối cùng để tranh vé dự World Cup. Lần đầu tiên là vòng loại World Cup 2002, khi đó Kiatisuk là đội trưởng. Lần thứ hai, ông là HLV cho vòng loại của World Cup 2018. Thái Lan không có một chiến thắng nào, thua 12 và hòa 6. Dù tự cho rằng họ là đội bóng Đông Nam Á xứng đáng nhất để dự các cuộc đấu với nhóm đầu châu lục, thực tế đã chỉ ra điều ngược lại.
Nhưng hai năm của HLV Park Hang-seo ở Việt Nam, đã đẩy Thái Lan đến cái cảm giác lo lắng không ngờ. Tính đến lúc này, HLV Park đã cầm quân tại bốn giải đấu khác nhau. Đội bóng của ông thắng AFF Cup, ông cũng bất bại trước các đối thủ trong vùng Đông Nam Á trên mọi trận đấu, bao gồm ba trận cầu với Thái Lan. Các chiến tích ở VCK U23 châu Á, Asiad 2018 và Asian Cup 2019, Việt Nam chủ yếu chơi bóng với các ông lớn châu lục, tạo một thói quen vẫy vùng nơi sóng cả với bản lĩnh ngày một dày thêm. Điều người Thái mất đến 20 năm để làm, thì HLV Park Hang-seo chỉ cần hai năm.
Đó là sự khác biệt mà có lẽ, chính Kiatisuk không nhận ra, hoặc bản thân ông phải giấu đi để không làm ảnh hưởng đến đồng hương của mình.
Cũng cần nhìn nhận rằng, trận đấu tối nay không phải là kiểu trận đấu tranh Cup, không có người về nhất, về nhì. Bất luận kết quả thế nào, nó không có ý nghĩa phân định ngôi thứ trong làng cầu Đông Nam Á bởi Việt Nam đã là số một không phải tranh cãi. Những diễn biến của nó, mang ý nghĩa ở một tầm vóc lớn hơn, đó là đội bóng nào mới xứng đáng đại diện cho bóng đá Đông Nam Á tham dự cuộc chơi lớn với 11 đội bóng mạnh nhất châu lục còn lại.
Trong tâm lý hoang mang, bằng một số thủ thuật, như kiểu phát biểu của Kiatisuk, kiểu bày binh bố trận của HLV Akira Nishino, Thái Lan đang muốn người hâm mộ Việt Nam dồn hết tâm trí vào trận đấu theo kiểu của một trận sống còn. Thực tế, đây chính là tình thế của họ chứ không phải của Việt Nam. Họ mới là đội sợ phải thua, mới là đội cần điểm, mới là đội phải đặt cả canh bạc World Cup vào 90 phút mà họ không nắm được phần thắng. Nhưng họ lại cố tình chuyển hết những điểm bất lợi ấy sang Việt Nam, bằng cách gợi lên những ẩn uất trong quá khứ, để các cầu thủ của ông Park mải nghĩ đến chuyện phải thắng họ trong một trận đấu mà quên đi vị thế cửa trên, được quyền đá theo cách của mình. Họ đang cố gắng tạo ra một cái bẫy, ít nhất về tâm lý, lên đội tuyển của Park Hang-seo.
Nhưng có khi họ đã lầm, hoặc họ cố tình quên. Cả ba chiến thắng trước Thái Lan ở giải giao hữu M-150, vòng loại U23 châu Á và King’s Cup, đều do chính HLV Park Hang-seo chủ động chọn cách đối đầu với họ, để giải quyết mọi nỗi ám ảnh mà hơn 20 năm bóng đá Việt Nam đã chịu đựng.
Đá với Thái Lan bây giờ, đâu còn là cuộc chiến sống còn, mà đã là điệu vũ đầy hào khí của những chiến binh áo đỏ.
Song Việt