Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đức Khương hiện là Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). Ông xếp hạng thứ 7 trong số 200 nhà kinh tế trẻ hàng đầu thế giới bởi RePEc (Research Papers in Economics) tháng 2/2016 và có tên trong từ điển "Who’s Who in the World" của Mỹ, ấn bản từ năm 2012. Hiện ông là Phó phám đốc phụ trách Nghiên cứu tại IPAG Business School (Pháp), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Nhiều năm qua, thông qua AVSE Global, ông có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng cộng đồng trí thức Việt Nam tại nước ngoài cũng như hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
- Ông đặc biệt quan tâm đến kết nối mạng lưới trí thức Việt Nam trên toàn thế giới xuất phát từ điều gì?
- Kết quả của một nghiên cứu quốc tế chỉ ra hai yếu tố quan trọng để một quốc gia phát triển vượt trội là văn hóa và nhân tài.
Lực lượng trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước của Việt Nam là một trong những nguồn lực vô cùng quý, có vai trò quyết định trong xây dựng năng lực kỹ năng, sáng tạo tri thức và công nghệ phục vụ cuộc sống, tiến bộ kinh tế, xã hội.
Tôi thấy rõ tiềm năng lớn và khát khao cống hiến cho đất nước của các thế hệ trí thức và chuyên gia Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, ngay những ngày đầu đến Pháp. Điều này cũng đúng ở hầu hết cộng đồng người Việt ở khắp nơi. Mong muốn kết nối, giúp đỡ lẫn nhau và phát huy sức mạnh tri thức tập thể phục vụ sự phát triển của đất nước chính là khởi nguồn để tôi lan toả, chia sẻ cảm hứng với các cộng sự.
Sự ra đời của AVSE Global tháng 5/2011 tại Paris là một khởi đầu thành công, chứng thực niềm tin vào sức mạnh tập thể và tầm nhìn lớn về một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và vươn xa. Sau 9 năm, AVSE Global ngày một trưởng thành, với hơn 10 hoạt động hội thảo khoa học - diễn đàn chính sách lớn hàng năm, hơn 20 chương trình đào tạo cán bộ quản lý cấp cao và hơn 20 tham vấn - tư vấn chính sách cho nhiều bộ, ngành và địa phương, cùng báo cáo chiến lược trên những chủ đề trọng điểm.
Nguồn lực đang tham gia thường trực trên các dự án, chương trình hợp tác trong nước và ngoài nước là hơn 300 thành viên, sinh sống trên hơn 20 quốc gia, cùng với mạng lưới rộng lớn trí thức và chuyên gia trên hơn 10.000 người.
Chương trình "Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng" (VGLF) với chủ đề "Nâng tầm thương hiệu Việt Nam" được tổ chức lần đầu tiên ở Paris vào tháng 3/2019 là một trong những ví dụ cho việc quy tụ tinh hoa người Việt khắp thế giới thực hiện khát vọng chung đánh thức tiềm lực quốc gia, đưa thương hiệu và giá trị Việt cạnh tranh trên trường quốc tế.
- Ông đánh giá vai trò của đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế của một quốc gia như thế nào?
- Đổi mới sáng tạo đã và đang thực sự trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển hàng đầu thế giới. Pháp là một ví dụ. Trước những tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và nhận thấy sự suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia tương lai, họ đã đề ra một chương trình đầu tư tương lai (PIA). Chương trình này tập trung tài trợ cho những dự án sáng tạo, trong đó có startup và hứa hẹn cho thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng lâu dài và tạo công ăn việc làm.
Đến 2017, PIA đã qua ba giai đoạn với ưu tiên xuyên suốt là đầu tư vào giáo dục đại học và nghiên cứu, bên cạnh những trọng tâm khác. Ví dụ, PIA1 bắt đầu năm 2010 với 35 tỷ euro, được đầu tư vào các ngành công nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiềm năng, phát triển bền vững, và kinh tế số. PIA2 có thêm trọng tâm chuyển đổi năng lượng, phát triển công nghệ hàng đầu trong ngành hàng không và vũ trụ, hiện đại hoá nhà nước. PIA3 tập trung vào nâng cao giá trị của R&D, đổi mới, phát triển lực lượng doanh nghiệp.
Ở châu Âu, startup cũng không bị lãng quên trong Covid-19, khi mà hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) giảm cường độ. Pháp cũng là nước tiên phong với cam kết 4 tỷ euro dành cho tài trợ, bảo lãnh nhà nước cho các khoản vay và giảm thuế đối với startups. Tiếp theo đó là Thuỵ Sĩ, Bồ Đào Nha, Đức và Anh.
Một nền kinh tế tăng trưởng năng động nhất nhì khu vực như Việt Nam, cùng chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, sáng nghiệp mạnh mẽ, thích ứng linh hoạt với công nghệ cao chính là môi trường lý tưởng để Việt Nam thành điểm đến cho đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Với một nền kinh tế đang phát triển có trọng tâm chiến lược gồm: phát triển toàn diện, bình đẳng xã hội, hạ tầng thông minh, ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi hậu, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên biển... Đây là thách thức của Việt Nam song cũng là bài toán hấp dẫn cho giới doanh nghiệp công nghệ và chuyên gia đổi mới sáng tạo. Trong tổ chức của chúng tôi, động lực của sự phát triển là con người với tri thức tập thể, giàu khát vọng và đổi mới sáng tạo.
- AVSE Global làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu "góp phần đưa Việt Nam thành điểm đến đổi mới sáng tạo toàn cầu trong năm 2020"?
- AVSE Global mong muốn Việt Nam tiên phong trong tìm các giải pháp sáng kiến phát triển. Thực tế cho thấy là người Việt rất cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận những điều mới, nên chúng tôi muốn thúc đẩy để hình thành nên một văn hoá đổi mới sáng tạo từ suy nghĩ, phương pháp đến hành động: phấn đấu cho hiệu quả và hoàn thiện mỗi ngày. Liên kết và học hỏi từ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, chuyên gia quốc tế cũng là chìa khoá để nhanh chóng tích luỹ được kinh nghiệm và tránh được những sai lầm cơ bản.
Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua rất nhiều chương trình lớn như: những nghiên cứu sâu về thu hút nhân tài công nghệ, số hoá đến những báo cáo về chiến lược về đổi mới sáng tạo, đưa nhân tố này thành động lực phát triển cho các chiến lược kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành chúng tôi làm việc cùng.
Chương trình "Liên kết đổi mới sáng tạo" (Vietnam Innovation Links - VILinks) là nơi chúng tôi sẽ quy tụ những người Việt có tầm ảnh hưởng về lĩnh vực này trên toàn thế giới. Chương trình sẽ là không gian cho những dự án có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, sự cộng hưởng từ cộng đồng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
Chúng tôi cũng xây dựng nền tảng kết nối trực tuyến (Innovation platform) và đang được đề nghị hợp tác với một số cơ sở trong nước để xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, chúng tôi mở một cuộc thi về ý tưởng sáng tạo Hack4Growth (sáng tạo cho tăng trưởng), mà giai đoạn 2 có chủ đề "Covid Endgame".
- AVSE Global kỳ vọng gì tại cuộc thi Hack4Growth trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng khởi nghiệp?
- Hack4Growth là một cuộc thi quốc tế nhằm tìm kiếm những ý tưởng đổi mới sáng tạo, có thể hiện thực hoá để phục vụ sự phát triển của xã hội. Giai đoạn một của cuộc thi đã kết thúc nhận hồ sơ vào 31/3, hướng đến thúc đẩy văn hoá đổi mới sáng tạo trong cộng đồng người Việt.
Giai đoạn 2 có chủ đề "Hack4Growth-Covid Endgame", hạn nộp hồ sơ đến 30/6 tới đây có sứ mệnh hướng xã hội chung tay tìm ra giải pháp, tạo cảm hứng, đưa đến niềm tin hành động và tinh thần kiên cường vượt qua thách thức chung của đất nước. Đó có thể là các ý tưởng, sáng kiến vĩ mô hay vi mô; các giải pháp công nghệ, quy trình, bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau của kinh tế, xã hội (du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục...) hay các sản phẩm sáng tạo nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh và hồi phục phát triển kinh tế, xã hội.
Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp hoặc nhóm chuyên gia có thời gian hoạt động dưới 5 năm, các cá nhân từ 18 tuổi trở lên, không giới hạn sinh viên, nhà khởi nghiệp, doanh nghiệp, giáo viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.
Ban tổ chức cuộc thi là đội ngũ các chuyên gia đến từ hơn 15 quốc gia, sẵn sàng hỗ trợ các thí sinh phát triển ý tưởng, dự án của mình thành sản phẩm, dự án có tính ứng dụng thực tiễn cao, thông qua chương trình đào tạo và huấn luyện trực tuyến.
Cuộc thi này có giải nhất 10.000 USD, cùng nhiều giải thưởng giá trị, cơ hội nhận đầu tư, phát triển sản phẩm và ăn tối với một trong 15 CEO, những người có tầm ảnh hưởng hàng đầu của Việt Nam và người Việt ở nước ngoài (Bộ trưởng, Nữ hoàng khởi nghiệp, tỷ phú Việt Nam, triệu phú Silicon Valley...).
Cuộc thi được sự bảo trợ của Uỷ ban người Việt ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, có sự đồng hành của Vietcombank và hơn 15 đối tác là doanh nghiệp, quỹ đầu tư, và các đối tác khác.
- Theo ông làm thế nào để phát triển mạng lưới nhân tài người Việt trên thế giới thời gian tới?
- Hành trang quý nhất của những nhà đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là những ý tưởng mới và niềm đam mê biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Họ nên mạnh dạn theo đuổi và thể hiện ý tưởng đó càng chi tiết càng tốt, để biết được nó có thể áp dụng vào thực tế hay không, có thực sự đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng hay không.
Tuy nhiên, để biến một ý tưởng thành một "business" lớn thì những người làm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng cần có tinh thần doanh nhân, kiến thức kinh doanh, quản lý và những cộng sự năng lực, chia sẻ đam mê.
Yếu tố văn hoá (giá trị, con người, truyền thống Việt Nam), sự đồng lòng (trí tuệ, sáng tạo tập thể) và sự cộng hưởng (tính lan toả trong cộng đồng, dân tộc) là những yếu tố của thành công.
Nhân tài Việt Nam có mặt ở khắp thế giới, các cơ hội hợp tác, đóng góp vào sự thịnh vượng và vị thế của nước ta trên thế giới luôn rộng mở. Mục tiêu của AVSE Global là tạo ra được những điều kiện thuận lợi như nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo, các cụm tri thức... để những cá nhân và tập thể tiên phong cùng nhau thực hiện các chương trình ý nghĩa, tạo ra những ảnh hưởng tích cực, đột phá.
Tuấn Vũ
AVSE Global có trụ sở tại Paris, tiên phong trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao và tổ chức diễn đàn chuyên môn thông qua kết nối chuyên gia, trí thức người Việt toàn cầu để đóng góp cho Việt Nam. AVSE Global có mặt trên 20 quốc gia, hơn 300 hội viên quy tụ hơn 2.000 chuyên gia, là mạng lưới của trên 10.000 chuyên gia toàn cầu.
Hack4Growth là một cuộc thi về ý tưởng, giải pháp, sản phẩm đổi mới sáng tạo do AVSE Global tổ chức bao gồm hai đợt. Đợt một, kiến tạo nền tảng và văn hoá đổi mới, sáng tạo vì Việt Nam. Đợt hai, chung tay tìm ra giải pháp, truyền cảm hứng, niềm tin hành động vượt qua khó khăn kinh tế, xã hội trong và hậu Covid-19.
Hạn cuối nộp bài: 30/6/2020