VnExpress có cuộc trao đổi với ông Kum Donghwa, Viện trưởng Nghiên cứu khoa học và công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), sau lễ động thổ trụ sở Viện vào ngày 22/3 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).
- Cơ duyên nào đưa ông đến Việt Nam làm Viện trưởng VKIST?
- Kế hoạch ban đầu điều hành VKIST sẽ do người Việt Nam đảm nhiệm. Sau đó Việt Nam thấy rằng đây là dự án quan trọng, cần người có đủ năng lực nên đề nghị Hàn Quốc đề cử viện trưởng là người nước ngoài. Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (KIST) - mô hình mà VKIST sẽ học tập - đã thuyết phục tôi đảm nhận vai trò đó. Tôi rất vui vì nhận được cơ hội này.
Mỗi kỹ sư, nhà khoa học đều có quốc tịch, quốc gia riêng, nhưng trên phương diện khoa học công nghệ thì không có biên giới hay quốc tịch nào cả. Tôi luôn nghĩ bản thân chưa phải là nhà khoa học mà là kỹ sư làm công nghệ đơn thuần, cả đời tôi cống hiến cho KIST với gần 30 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực công lập về khoa học công nghệ.
Thời kỳ mới thành lập, KIST nhận được sự giúp đỡ từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh. Để đáp lại sự giúp đỡ này, tôi nghĩ một phần nào đó KIST cũng có trách nhiệm hỗ trợ các các nước đang phát triển như Việt Nam. Dự án VKIST là hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Tôi cho rằng đây là cơ hội để mang lại thay đổi cho nền khoa học và công nghệ Việt Nam.
- Đến đất nước mà nền khoa học và điều kiện sống còn kém xa Hàn Quốc, ông chịu áp lực thế nào?
- Khi đến Việt Nam, gia đình và đồng nghiệp có ý kiến khác nhau, người đồng ý vì những lý do tôi đưa ra phía trên, người lại khuyên tôi không nên. Họ nói tôi lớn tuổi rồi, đã đến lúc được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó khí hậu Việt Nam lại khắc nghiệt. Việt Nam là đất nước khác lạ với Hàn Quốc về hình thức quản lý.
Tôi thấy trách nhiệm bản thân khá lớn, vì là nhiệm vụ Chính phủ Việt Nam giao và các nhà khoa học cả ở Việt Nam và Hàn Quốc đều kỳ vọng ở tôi. Nhưng dù nhiệm vụ có khó khăn thế nào, trách nhiệm có nặng nề ra sao tôi nghĩ mình không đơn độc mà luôn nhận được sự chung tay giúp đỡ của cả hai bên.
Hiện Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi dành cho khoa học và công nghệ. Đây là lợi thế cho tôi hay bất kỳ người nào đến đảm nhận nhiệm vụ Viện trưởng. Việt Nam đã có nhiều khởi sắc trong mọi lĩnh vực, như chỉ số phát triển kinh tế tương đương và thậm chí còn tốt hơn Hàn Quốc ở thời điểm những năm 80.
Tôi cảm thấy nếu mình sang đây sớm hơn thì mọi việc sẽ tiến hành nhanh chóng hơn và hiểu rõ các vấn đề liên quan sâu sắc hơn.
- Việt Nam đang có nhiều viện nghiên cứu, vậy điều gì làm nên sự khác biệt của VKIST?
- Hiện các viện và trường chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hàn lâm, tức là về mặt lý thuyết. Còn doanh nghiệp lại yêu cầu công nghệ thực tế. Vì vậy giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp luôn có khoảng cách. Khoảng cách đó chính là vị trí mà VKIST được định vị.
Chúng tôi sẽ là cầu nối giữa hàn lâm và nhu cầu thực tế của thị trường, trong đó VKIST sẽ tập trung vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường. Trên thị trường có rất nhiều công nghệ, nhiệm vụ của VKIST là đưa công nghệ mới được gọi là địa phương hóa có thể phù hợp với trình độ doanh nghiệp Việt Nam, giúp Việt Nam vừa sở hữu công nghệ vừa không bị khoảng cách với các nước phát triển.
VKIST sẽ phát triển với sự điều hành hoạt động và quản lý hoàn toàn mới và sẽ hướng tới gần hơn với các tiêu chuẩn toàn cầu. Vì thế Viện cần xây dựng chính sách hay quy chế nội bộ mới. Để xây dựng đội ngũ nhân lực, VKIST sẽ đưa ra chương trình đào tạo cho cán bộ; và để tổ chức bộ máy khoa học có hiệu quả, tôi sẽ xây dựng quy chế nội bộ riêng, nhưng tuân theo luật pháp của Việt Nam.
- Mục tiêu trong 10-20 năm tới của VKIST là gì?
- VKIST được xây dựng dựa theo mô hình KIST, nhưng phải phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam. Mục tiêu đầu tiên mà Viện hướng tới là năm 2020 phải hoàn thành dự án theo cam kết hai bên. Còn để Viện thực sự lớn mạnh và phát triển 20 năm nữa thì cần nhiều việc phải làm trên nền tảng vững chắc.
Việt Nam đã giao cho chúng tôi phát triển hai lĩnh vực là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Tôi nghĩ đây là quyết định thông minh và khôn ngoan, vì trong tương lai đó là hai ngành mũi nhọn.
Tôi mong muốn đưa VKIST là viện hàng đầu về công nghệ công nghiệp, tức là việc nghiên cứu triển khai của Viện sẽ mang tính thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho nhà máy sản xuất. Ví dụ người sản xuất cái cốc muốn sử dụng công nghệ in hình trên cốc, Viện sẽ đứng ra nghiên cứu công nghệ in và làm sao để doanh nghiệp có thể sản xuất một cách tối ưu. Đồng thời Viện sẽ tìm kiếm những thứ tốt hơn và nói với doanh nghiệp đó để họ có thể cải thiện tốt hơn, bởi nhiều doanh nghiệp chưa biết công nghệ nào là tốt nhất với họ.
Chúng tôi sẽ cố gắng trong kế hoạch ngắn hạn nội địa hóa được các sản phẩm công nghệ. Thực tế 70% kim ngạch xuất khẩu đến từ công ty có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), họ sử dụng nguồn nhân công và nguồn vật liệu giá rẻ của Việt Nam. Các sản phẩm của Việt Nam nên cố gắng học tập để tăng chất lượng sản phẩm giống như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc. Đây cũng là điều Đức đã làm trong cuộc cách mạng công nghiệp mà có khởi nguồn từ nước Anh, Nhật Bản cũng theo cách này mà bắt kịp phương Tây sau thế chiến thứ hai.
Kế hoạch đó là chưa đủ với hướng phát triển của một viện nghiên cứu như VKIST. Tôi chỉ hy vọng 10 năm tới, VKIST sẽ có lợi thế cạnh tranh nhất định trên thị trường thế giới. Còn về lâu dài thì cần phát triển và đón đầu công nghệ.
- Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài. Làm thế nào để VKIST có thể giúp đỡ được doanh nghiệp?
- Để sở hữu những công nghệ hiện đại trên thế giới tôi cho rằng doanh nghiệp phải có nguồn tài chính và giá của công nghệ phải phù hợp. Để đáp ứng hai điều kiện này không hề dễ. Nói như vậy để thấy doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để mua công nghệ mình cần trên thị trường.
Tất nhiên nếu làm được thì đó sẽ là cách tốt nhất để nội địa hóa công nghệ Việt Nam, giúp doanh nghiệp kinh doanh và kiếm được lợi nhuận. Trung Quốc là bài học rõ nhất cho việc mua công nghệ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Năm ngoái Tổng thống Mỹ đã phạt các doanh nghiệp Trung Quốc trong đó có vụ mua bán sát nhập công nghệ cao ở Mỹ.
Theo tôi, chúng ta nên học cách tự làm ra cái mình muốn hơn là đi mua vì nó chỉ đáp ứng thời điểm hiện tại, nhưng theo cách này bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hàn Quốc đã vượt qua giai đoạn này thành công.
Video: Nguyễn Bắc
- Hàn Quốc đã làm thế nào, thưa ông?
- Có rất nhiều yếu tố, tôi chỉ xin nói ngắn gọn vài ý như sau. Thứ nhất, chúng tôi làm việc cực kỳ chăm chỉ. Thứ hai, ở ngay cạnh Nhật Bản nên tôi cảm thấy Hàn Quốc nhận được ảnh hưởng tích cực từ sự phát triển của nước bạn, thậm chí theo từng bước một cách vững chắc và làm tốt hơn.
Thứ ba, Hàn Quốc đã sử dụng chính sách đầu tư và quản lý nhà nước rất hiệu quả. Họ đầu tư vào nghiên cứu triển khai và thành công trong hai khía cạnh, đó là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tiền cho nghiên cứu phát triển trong tương lai. Hiện 75% kinh phí R&D (nghiên cứu và phát triển) từ doanh nghiệp chứ không phải nhà nước. Tiếp đó, việc phát triển nhân lực trong khoa học công nghệ ở Hàn Quốc rất thành công.
Ở Việt Nam tôi chưa biết, nhưng ở Hàn Quốc từ lâu một số lĩnh vực tuyển sinh đầu vào toàn bộ khối kỹ thuật là do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện.
- VKIST sẽ làm cách nào để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao?
- Đầu tiên, VKIST sẽ tạo ra môi trường thân thiện và tốt cho hoạt động nghiên cứu phát triển của các nhà khoa học. Lương sẽ cao hơn so với mặt bằng hiện nay nhưng đây là vấn đề khó nói trước vì với mọi người lương càng cao càng tốt. Bên cạnh đó, VKIST sẽ tạo ra phúc lợi xã hội tốt nhất cho các nhà khoa học như môi trường sinh sống giáo dục cho con cái, gia đình. VKIST còn là nơi đào tạo, chắp cánh để họ ra ngoài phát triển sự nghiệp riêng khi đủ lớn mạnh. Đó chính là mong muốn VKIST cố gắng thực hiện cho những người làm việc ở đây.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng thu hút, tuyển dụng 50% nhà khoa học hàng đầu Việt Nam. Hiện tôi chưa biết cách nào để tìm được tốp này, nhưng nhà khoa học giỏi không có nghĩa là người thông minh, trước hết họ phải là người có nhân cách và đạo đức tốt nhất. Tôi muốn họ có khát vọng, làm việc chăm chỉ, chịu đựng sát cánh cùng nhau vượt qua thử thách và ý chí mãnh liệt vươn lên.
Là người tích cực, nhất là trong khoa học công nghệ càng tích cực, tôi tin tưởng VKIST sẽ thành công. Từ Mỹ trở về Hàn Quốc năm 1985, lúc ấy tôi không nghĩ Hàn có thể tiến xa như ngày nay. Đội ngũ trẻ đều kêu ca phàn nàn về tương lai của đất nước. So với Hàn Quốc thời kỳ đó, Việt Nam giờ tốt hơn rất nhiều, khi được Chính phủ quan tâm. Việt Nam cũng có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ hơn so với Hàn Quốc thời kỳ đó.
Ngày 10/4/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định về việc phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Viện trưởng VKIST. Tiến sĩ Kum Donghwa sẽ đảm nhiệm vị trí này trong 5 năm, từ 1/5/2017 đến 30/4/2022. Làm việc ở KIST từ năm 1985, từng giữ vị trí viện trưởng từ tháng 4/2006 đến tháng 8/2008, ông Kum Donghwa là chuyên gia hàng đầu về vật liệu tiên tiến và kỹ thuật luyện kim. |