Thông tin nêu trong báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024. Trong đó, ngân hàng duy trì doanh thu và hiệu quả kinh doanh ổn định bên cạnh mức tăng trưởng tín dụng cao.
Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn cao
Đến hết tháng 9, tổng tài sản VIB đạt hơn 445.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Nợ tín dụng đạt hơn 298.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm, cao hơn so với mức trung bình ngành là 9%. Riêng quý III/2024, ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng gần 7%. Động lực tăng trưởng cả ở 4 mảng phân khúc trọng tâm là bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp, SME và định chế tài chính. Huy động vốn tăng 8%.
Mức tăng trưởng này đến từ các sản phẩm vay có lãi suất cạnh tranh nhờ việc tối ưu hóa chi phí huy động cùng quy trình đơn giản, linh hoạt và nhanh chóng. Theo đại diện VIB, với các sản phẩm cho vay đang phát huy hiệu quả và thu hút nhiều khách hàng chất lượng cao, đơn vị có thể hướng đến tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay nếu được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Lợi nhuận giảm
Tổng doanh thu của đơn vị đạt 15.300 tỷ đồng. Trong đó thu nhập lãi thuần giảm 9% so với cùng kỳ. Việc giảm lợi nhuận một phần đến từ định hướng tập trung vào phân khúc khách hàng chất lượng cao, có tài sản đảm bảo tốt, cùng với việc đưa ra thị trường nhiều gói sản phẩm bán lẻ lãi suất cạnh tranh. Dẫu vậy VIB vẫn duy trì biên lãi ròng (NIM) ở mức 4%.
Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch hội đồng quản trị VIB cho biết ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng để kích thích cả cung và cầu xã hội, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh việc Chính phủ và các bộ, ngành đang triển khai giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản, lãnh đạo VIB cũng cho rằng các ngân hàng cũng cần thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, nhằm đảm bảo có thể phát triển lành mạnh, bền vững.
"Việc giảm giá cho vay sâu sẽ dẫn đến giảm lợi nhuận ngắn hạn nhưng đây là bước tạo điều kiện phát triển bền vững khi sản xuất kinh doanh phục hồi thời gian tới", ông Đặng Khắc Vỹ nêu.
Thu nhập ngoài lãi 9 tháng đầu năm của đơn vị đạt 3.500 tỷ, tăng 5% và đóng góp vào 23% tổng doanh thu. Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro (write off recovery) đạt hơn 750 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Hoạt động ngoại hối đóng góp 450 tỷ đồng, tăng 49%. Thu nhập từ phí đạt 2.100 tỷ với hai sản phẩm chính là thẻ tín dụng và bảo hiểm. Số lượng thẻ tín dụng đã vượt mốc 800.000, chi tiêu đạt kỷ lục gần 90.000 tỷ đồng với mức trung bình 10.000 tỷ đồng/tháng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Theo đơn vị, thời gian qua tập trung vào các hoạt động đầu tư vào con người, mở mới chi nhánh, đầu tư công nghệ, ngân hàng số và marketing. Chi phí hoạt động trong 9 tháng đầu năm tăng 13%, Hệ số hiệu quả chi phí (CIR) tăng lên mức 36%. Nhà băng cho rằng con số này sẽ cải thiện khi nhiều sáng kiến tối ưu hóa chi phí đang được triển khai, các chi nhánh mới bắt đầu hoạt động hiệu quả.
Chính sách thận trọng được duy trì với mức trích lập dự phòng 3.230 tỷ đồng, tăng 2% và cải thiện tỷ lệ bao phủ hơn so với cùng kỳ. Riêng dự phòng quý III giảm hơn 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng đạt 6.600 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt khoảng 19%.
Cải thiện chất lượng tài sản
Đại diện ngân hàng cho biết mục tiêu là cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng, chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động. Trong đó, chất lượng tài sản của ngân hàng dần cải thiện khi nợ nhóm 2 giảm hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương giảm 27%, và bộ đệm dự phòng tăng 27% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tại ngày 30/9 là 2,67%.
Tỷ trọng dư nợ bán lẻ chiếm 81% tổng danh mục cho vay. Trên 90% khoản vay bán lẻ có tài sản đảm bảo chủ yếu là nhà ở, đất ở. VIB cũng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở nhóm thấp, chiếm 0,2% tổng dư nợ tín dụng. Toàn bộ trái phiếu đều thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại và tiêu dùng.
Các chỉ số quản trị an toàn ở mức ổn định. Trong đó tỷ lệ an toàn vốn (CAR) Basel II đạt 11,5%; hệ số cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) ở mức 75% (quy định: dưới 85%); hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 26% (quy định: dưới 30%) và hệ số nguồn vốn ổn định ròng theo Basel III (NSFR) 111% (chuẩn Basel III: trên 100%).
Dấu ấn hoạt động
Đầu tháng 10, VIB được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á (Enterprise Asia) trao giải thưởng "Doanh nghiệp xuất sắc Châu Á 2024". Giải thưởng tôn vinh những nỗ lực nhằm cung cấp giải pháp và sản phẩm tài chính, ứng dụng công nghệ, quản trị doanh nghiệp, áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Cùng với đó, nhà băng cũng lần đầu triển khai dịch vụ cá nhân hóa thiết kế thẻ theo nhu cầu với sự hỗ trợ của AI tạo sinh (Gen AI) và được Mastercard trao giải thưởng "Đột phá sáng tạo 2024".
Doanh nghiệp còn triển khai hàng loạt các chương trình quảng bá và truyền thông đồng hành với các chương trình truyền hình thực tế như The Masked Singer Vietnam, Let’s Feast Vietnam, Anh trai say hi. Chương trình ghi nhận hơn 10 tỷ lượt xem trên mọi nền tảng và 100% tập phát sóng vào Top Youtube Trending.
Ngân hàng cũng đóng góp vào sự phát triển cộng đồng thông qua các hoạt động kinh tế và xã hội, Trong quý III, đơn vị được vinh danh trong Private 100 - danh sách các doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam năm 2023, với số tiền gần 3.300 tỷ đồng.
Theo doanh nghiệp, điều này góp phần thể hiện sự hiệu quả trong hoạt động kinh doanh đồng thời đóng góp vào nguồn lực chung của quốc gia, tạo điều kiện để tái đầu tư vào xã hội như cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện. Tính từ đầu năm 2024, ngân hàng cũng tham gia quyên góp, tài trợ cho các chương trình vì cộng đồng như trao 15 tỷ đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát, 5 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục bão Yagi và 7 tỷ đồng tài trợ học bổng sinh viên, các chương trình tri ân và thúc đẩy văn hóa giáo dục, xã hội.
Đối với ngành ngân hàng, VIB áp dụng các chuẩn mực quốc tế, hoàn thành ba trụ cột Basel II, phát hành báo cáo IFRS trước thời hạn đề án của Bộ Tài chính tới 6 năm. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang triển khai và áp dụng Basel III, xếp hạng tín nhiệm quốc tế cùng các chuẩn mực quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp hàng đầu.
Hoài Phương