Chị Thủy cho biết gia đình có vợ chồng và hai con nhỏ, chỉ mở điều hòa ở hai phòng ngủ từ 22h đến 5h hôm sau, riêng Chủ nhật bật thêm 5 tiếng buổi chiều. Các thiết bị khác như bếp từ, lò vi sóng hay quạt gần như không thay đổi về thời gian dùng. Tuy nhiên, tiền điện tháng 4 lên đến 2,4 triệu đồng, tăng đột biến gần 40% so với tháng 3, sang tháng 5 lại giảm còn 1,7 triệu đồng. "Tôi đã nhờ kỹ thuật tòa nhà kiểm tra công tơ, đường dây nhưng không có gì bất thường", chị nói.
Sống trong căn nhà ba tầng ở Hà Nội, anh Lê Tuấn cho biết điều hòa tại gia đình luôn bật tắt theo giờ "như lập trình", cài đặt 25 độ C và mở thêm quạt. Thời gian dùng tháng 4 và 5 tương đương nhưng hóa đơn tháng 5 cao hơn 20%. Còn khi xem trên ứng dụng của EVN, điện tiêu thụ tháng 6 đã xấp xỉ tháng 5 dù mới đến ngày 19.
Theo ông Trần Văn Cân, Trưởng phòng Phát triển Sản phẩm Casper Việt Nam, nếu xét cùng điều kiện như cách sử dụng và thời gian sử dụng, điểm khác biệt lớn nhất là do thay đổi của nhiệt độ môi trường. "Người dùng cài đặt cùng một nhiệt độ trên điều hòa, nhưng khả năng trao đổi nhiệt của hai dàn nóng và lạnh lại tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường xung quanh", ông nói.
Đa số người dùng điều hòa hiện đặt ở mức 25-27 độ C, nhưng đây là mục tiêu nhiệt độ mà điều hòa phải đạt được, không phải công suất tiêu thụ. Ông Cân cho biết nếu nhiệt độ lên 40 độ C, điều hòa sẽ phải hoạt động ở công suất cao hơn và duy trì trong thời gian dài hơn để đưa phòng về mức 25 độ, so với khi nhiệt độ ngoài trời chỉ từ 33-35 độ C.
Chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Tiến cho biết khi thử nghiệm một mẫu điều hòa mới với nhiệt độ ngoài trời 31-33 độ C, sản phẩm hoạt động ở công suất cao nhất trong gần 15 phút, trước khi về mức 200-250 W để duy trì nhiệt 25 độ C. Tuy nhiên trong ngày nhiệt độ gần 40 độ C, model điều hòa này mất gấp đôi thời gian để làm mát, rồi sau đó vẫn phải tiêu thụ ở mức 500-700 W để duy trì.
"Nhiệt độ ngoài trời ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ điện của điều hòa, khiến việc tăng 30-60% hoặc thậm chí gấp đôi hoàn toàn có thể xảy ra", ông Tiến giải thích.
Ngoài nguyên nhân nắng nóng thất thường, hóa đơn tiền điện thay đổi lớn giữa các tháng một phần đến từ việc bị nhảy bậc theo biểu giá lũy tiến 6 bậc hiện nay. Ông Nhật ở huyện Nhà Bè (TP HCM) cho biết khi xem trên ứng dụng theo dõi điện năng của EVN, lượng điện tiêu thụ có tháng tăng 22% từ 378 kWh lên 463 kWh nhưng phải chịu tiền điện tăng thêm 30% vì cách tính tiền điện bậc thang.
Theo ông Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), trong số 2,47 triệu khách hàng là hộ gia đình có 1,8 triệu sử dụng điện từ bậc 4 trở lên, chiếm 75%, với sản lượng điện tiêu thụ trên 1,44 tỷ kWh, chiếm 52,38% tổng sản lượng và tăng 20% so tháng 3. Theo quy định, sản lượng điện dùng bị nhảy bậc càng cao, giá tiền trả càng tăng. Đây là quy định về giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương ban hành năm 2023.
Hiện các hộ càng sử dụng điện nhiều, mức giá lũy tiến ở các bậc thang càng cao, trực tiếp tác động tới hộ sử dụng từ 401 kWh trở lên. Bất cập về cách tính biểu giá điện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến và dự kiến sửa đổi thời gian tới.
Để hạn chế tiêu thụ điện tăng mạnh vào ngày nắng nóng, ông Cân cho biết người dùng cần bổ sung biện pháp giúp hạn chế tăng nhiệt độ phòng do môi trường. Nên sử dụng rèm che nắng cửa kính cả khi bật lẫn không bật thiết bị, lắp thêm vật liệu cách nhiệt cho phòng, đặt dàn nóng ở vị trí thoáng mát.
Ngoài ra, để tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa, người dùng nên mua loại có công suất nhỉnh hơn so với yêu cầu thực tế, chọn model dùng công nghệ máy nén biến tần Inverter, cài đặt nhiệt độ 25-26 độ C, kết hợp quạt và không bật, tắt điều hòa liên tục. Ngoài ra, người dùng cũng cần vệ sinh định kỳ cả dàn nóng và lạnh để đảm bảo hiệu quả làm mát luôn tốt nhất.