Hệ tiêu hóa là hệ thống các cơ quan thực hiện chức năng tiêu hóa, gồm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, tuyến tụy, gan... Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, hệ tiêu hóa có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe trẻ. Đường ruột hấp thu các chất dinh dưỡng và vitamin, khoáng chất cho cơ thể, đồng thời đóng vai trò trong sự phát triển về thể chất, tăng trưởng các cơ quan như não, hệ hô hấp, miễn dịch.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Gastroenterology năm 2021, cho biết hệ vi sinh đường ruột điều chỉnh hấp thu năng lượng từ các chất dinh dưỡng, truyền tín hiệu đến hormone tăng trưởng cơ thể trẻ. Bộ phận này cũng tham gia sản xuất các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học, hoạt động như chất dẫn truyền thần kinh. Ngoài ra, đường ruột có liên quan tới hệ miễn dịch, phổi, cân bằng nội môi...
Còn WebMD chỉ ra các chất có trong ruột vừa giúp tiêu hóa thức ăn, vừa hoạt động trên khắp cơ thể. Lợi khuẩn trong đường ruột luôn sinh sôi, cân bằng với các vi khuẩn có hại, từ đó giúp giảm các bệnh đường tiêu hóa. Một số vi khuẩn đường ruột giúp sản sinh chất hóa học giúp giảm cholesterol và các chất có hại cho tim, thận.
Do đó, trẻ cần có hệ tiêu hóa khỏe mạnh để phát triển tốt về thể chất và tinh thần, giảm bệnh tật. Theo bác sĩ Nam, có nhiều cách để bảo vệ hệ tiêu hóa, trong đó chú trọng dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển của em bé, đảm bảo tiêu chí đủ chất cần thiết, vitamin... Chế độ ăn nên cân đối các thực phẩm nguồn gốc động vật và rau xanh, trái cây, sữa.
Trẻ nên được tập thói quen ăn đúng bữa và đúng giờ, ăn đa dạng các món. Bên cạnh đó, gia đình cần giúp trẻ tăng sức khoẻ tổng thể nói chung thông qua vận động, vệ sinh môi trường và cá nhân, tiêm chủng định kỳ.
Trang Parents khuyến cáo thêm các cách cụ thể đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ, gồm:
Bổ sung vi sinh: Theo nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Đại học Georgetown (Mỹ), trẻ tiêu thụ các chủng lợi khuẩn có trong men vi sinh, sữa chua, sữa lên men, có thể giảm tần suất bệnh tật, trong đó có các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa. Đối với men vi sinh hoặc các chế phẩm bổ sung lợi khuẩn, gia đình nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Tránh dùng kháng sinh không cần thiết: Một số loại thuốc kháng sinh mạnh có thể tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và có hại. Việc này ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của trẻ. Một nghiên cứu năm 2020 của Mayo Clinic, chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng kháng sinh ở trẻ dưới 2 tuổi với nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và tăng cân quá mức. Các chuyên gia đã khuyến cáo cha mẹ và bác sĩ nhi khoa chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự cần thiết.
Chơi với thú cưng: Cách này cũng giúp trẻ tiếp xúc với lợi khuẩn, tránh xa các vi khuẩn có hại. Một nghiên cứu được công bố trên JAMA năm 2002, cho thấy các em bé chơi với chó, mèo cưng ít nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, dị ứng khi lên 6-7 tuổi.
Tạo thói quen vệ sinh cho trẻ: Gia đình nên tập cho con thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Sau khi sử dụng nhà vệ sinh, trẻ cần biết cách xả, dội nước, đóng nắp bồn cầu, giữ sạch khu vực toilet... để hạn chế lây nhiễm mầm bệnh đường tiêu hóa.
Chi Lê
Dự án Vệ sinh học đường nằm trong chương trình Ánh sáng học đường, với mục tiêu xóa bỏ nhà vệ sinh xuống cấp. Năm 2022, quỹ Hy vọng và Sanofi Việt Nam đã bàn giao 20 nhà vệ sinh mới, khang trang cho học sinh và giáo viên huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; đồng thời tổ chức các hoạt động tập huấn, giáo dục về vệ sinh học đường.
Với mong muốn trẻ em vùng cao có điều kiện đảm bảo sức khỏe để học tập, quỹ Hy vọng với sự đồng hành của nhãn hàng men ống vi sinh Enterogermina tái khởi động dự án Vệ sinh học đường tại Đồng Văn, Hà Giang. Dự án đặt mục tiêu xây dựng 20 nhà vệ sinh đạt chuẩn, hỗ trợ hệ thống lọc nước sạch tại một số điểm trường, đồng thời phổ biến thói quen vệ sinh tốt cho các em học sinh. Để chung tay cùng dự án, độc giả tìm hiểu tại đây.