* Indonesia - Việt Nam: 16h30 hôm nay 6/1, trên VnExpress
Từ đầu AFF Cup 2022, Văn Hậu - Tấn Tài cùng nhau đá chính ba trong bốn trận trong hệ thống hàng thủ năm người quen thuộc của HLV Park Hang-seo. Họ chỉ không đá chính ở trận hòa 0-0 trên sân Singapore, nơi ông thầy Hàn Quốc chọn Nguyễn Phong Hồng Duy và Vũ Văn Thanh. Đó cũng là trận không thắng duy nhất đến nay của Việt Nam tại giải đấu.
Trong các đội bóng chơi theo hàng thủ năm người với hai cầu thủ chạy cánh (wingback), vai trò tấn công của đôi cánh rất quan trọng. Với riêng tuyển Việt Nam dưới thời ông Park, những quả tạt từ đôi cánh luôn là thứ vũ khí lợi hại. Vì thế, các wingback phải nắm rõ vị trí họ cần xuất hiện, cũng như biết phải di chuyển vào đâu, để nhận bóng, tạt bóng và tấn công.
Trước Lào, Việt Nam tạt 31 lần, cả bóng sống lẫn cố định, trong đó cặp Văn Hậu và Tấn Tài tạt 14 lần. Trước Malaysia, Việt Nam có 15 quả tạt thì bảy lần từ bộ đôi này. Gặp Singapore, Việt Nam tạt 32 quả, hai người đá chính là Hồng Duy và Văn Thanh tạt 11 lần. Trước Myanmar, Việt Nam có 17 quả tạt, Văn Hậu và Tấn Tài tạt sáu lần, Hồng Duy và Văn Thanh vào sân trong hiệp hai tạt năm lần.
Khi không bóng, cặp wingback lùi về cùng bộ ba trung vệ tạo thành hàng thủ năm người cho khâu phòng ngự. Còn khi đội cầm bóng, họ cần sẵn sàng dâng lên cao bám biên. Như thế, cặp wingback không chỉ sẵn sàng nhận bóng tham gia trực tiếp vào pha triển khai tấn công, mà bản thân vị trí đứng của họ còn là cách để kéo giãn chiều ngang hàng phòng ngự đối phương. Vị trí đứng còn quan trọng trong việc giúp chính những cầu thủ này có lợi thế về không gian cho các pha di chuyển tấn công theo chiều sâu lẫn xâm nhập vào vùng 16m50 đối thủ.
Ngay từ trận đấu đầu tiên trước Lào, một mô hình tấn công quen thuộc của Việt Nam với những đợt lên bóng ở biên, chính là tìm cách duy trì quân số ít nhất 3-4 người trong vùng 16m50 đối thủ. Nhân sự tấn công đông ở khu vực này giúp hạn chế sự áp đảo về quân số mà hàng thủ đối phương tạo ra, từ đó tăng lựa chọn chuyền bóng vào vùng cấm.
Tùy vào cánh lên bóng mà biên thủ xa bóng sẽ chủ động di chuyển xâm nhập vào vùng cấm đối thủ ở khu vực cột xa. Giả sử Tấn Tài là người tạt bóng ở cánh phải thì Văn Hậu sẽ nhập vùng cấm và ngược lại. Một trong hai cầu thủ này sẽ kết hợp cùng các mũi nhọn tấn công và tiền vệ số 8 có mặt trước khung thành đối thủ.
Hình ảnh bên dưới là bản đồ vị trí các điểm chạm bóng của Văn Hậu và Tấn Tài trong ba trận mà cả hai cùng đá chính ở AFF Cup 2022. Bên cạnh việc đứng nhận bóng ở các khu vực số 13 và 15 (chia theo các ô chiến thuật trên sân bóng) để tạt sớm, Văn Hậu và Tấn Tài luôn thường xuyên di chuyển đến những khu vực số 16 và 18 (tức xuống gần đáy đường biên ngang), và đáng lưu tâm nhất là thực hiện nhiều tình huống tấn công vùng cấm đối thủ để nhận bóng.
Ngay cả trước Malaysia, trong thế trận Việt Nam phải kiểm soát bóng ít nhất ở vòng bảng - 51,5% và không áp đảo so với đối thủ dù thắng 3-0, cả Văn Hậu lẫn Tấn Tài vẫn luôn tìm cách tấn công, xâm nhập vùng 16m50 của đối phương bằng các pha di chuyển chéo từ hai biên.
Lấy ví dụ trong chiến thắng 6-0 trước Lào, có ba bàn là in đậm dấu ấn của hai cầu thủ chạy cánh. Bàn mở tỷ số đến từ một quả tạt sớm ở cánh trái của Văn Hậu, với bốn cầu thủ Việt Nam di chuyển vào vùng cấm đối phương. Bàn thắng nâng tỷ số lên 3-0 cũng xuất phạt từ một quả tạt sớm ở cánh trái và một lần nữa có bốn chiếc bóng áo trắng đợi sẵn bên trong, đặc biệt là pha "nhập thành" của Tấn Tài để dứt điểm thành bàn. Bàn nâng tỷ số lên 4-0 cũng có bôn· cầu thủ Việt Nam trong vùng cấm của Lào và chính Văn Hậu vẩy má thành bàn đẹp mắt.
Trong thắng lợi mới nhất trước Myanmar, hai bàn thắng đầu tiên của tuyển Việt Nam cũng đều có đóng góp dấu giày của Văn Hậu bên cánh trái.
Khác biệt so với Hồng Duy - Văn Thanh
Ở vòng bảng AFF Cup 2022, Singapore là đối thủ duy nhất của tuyển Việt Nam dùng hàng thủ năm người qua cả bốn trận. Malaysia khởi đầu giải với hàng thủ 5 người, nhưng trước Việt Nam, họ chuyển về hàng thủ 4 người. Với một khối đội hình dày quân số ở cả chiều ngang lẫn chiều dọc của Singapore, nhiệm vụ giãn biên để mở ra khoảng trống giữa các mắt xích phòng ngự cho những pha tấn công chiều sâu là cực kỳ quan trọng. Nhưng Việt Nam đã không thể làm được như vậy.
Hôm đó, HLV Park Hang-seo dùng Hồng Duy chạy cánh trái và xếp Văn Thanh ở phía đối diện. Văn Hậu không ra sân, còn Tấn Tài chỉ thi đấu những phút cuối cùng. Dưới đây là bản đồ vị trí các điểm chạm bóng của wingback này trong trận hòa Singapore 0-0.
Bản đồ cho thấy cặp Văn Thanh - Hồng Duy chỉ bốn lần chạm bóng trong vùng 16m50 đối phương, ít hơn nhiều so với các trận đấu còn lại khi Văn Hậu và Tấn Tài được sử dụng. Vì thế, tuyển Việt Nam đánh mất sức mạnh tấn công từ hai biên, nhất là ở biên trái của Hồng Duy. Bản đồ trên cũng cho thấy tần suất chạm bóng "hơi nhiều" của Hồng Duy - Văn Thanh so với Văn Hậu - Tấn Tài ở khu vực gần với trung lộ. Điều đó có nghĩa là Văn Thanh và Hồng Duy có xu hướng di chuyển bó vào trong nhiều hơn, thay vì ôm biên rồi từ biên cắt chéo vào vùng cấm đối thủ.
Rất thường xuyên trong hiệp 1, xu hướng di chuyển và lựa chọn vị trí đứng khi không bóng của Hồng Duy không giống với vai trò của một wingback. Hồng Duy thường nhường biên cho Châu Ngọc Quang và bản thân anh tiến gần vào trung lộ. Một vài tình huống, khi khu vực hành lang trong cánh trái (nách trung lộ) đã được chiếm giữ bởi Nguyễn Văn Quyết, Hồng Duy vẫn lựa chọn di chuyển vào đó, trong khi anh nên có mặt ở biên.
Hiệp 2 cũng tương tự như vậy khi Phan Văn Đức vào sân thay cho Ngọc Quang, xu hướng của Hồng Duy vẫn là tiến đến gần bóng thay vì giữ chỗ ở biên.
Trong tình huống dẫn tới bàn thắng 4-0 của Việt Nam trước Lào và 1-0 trước Myanmar, dễ dàng nhận ra một điểm chung về đường nét, khi một tiền vệ làm bóng ở trung lộ có bóng và tung ra đường chuyền chuyển hướng sang biên trái cho Văn Hậu. Cầu thủ tân binh của CLB Công an Hà Nội luôn giữ vị trí đúng với một biên thủ, đồng thời tư thế thân người cho thấy sự sẵn sàng cho một di chuyển theo chiều sâu, ra sau lưng hàng thủ đối phương cũng như tấn công vùng cấm khi cần.
Còn đây là vị trí đứng của Hồng Duy trong hiệp hai trận đấu trước Singapore. Cũng một tiền vệ làm bóng có bóng ở trung lộ, nhưng hành lang biên trái lại không được chiếm lĩnh bởi một biên thủ. Hồng Duy một lần nữa di chuyển quá sâu vào bên trong thay vì bám biên. Tư thế cơ thể của anh cũng không cho thấy cầu thủ này sẵn sàng hoặc có ý định chủ động nhận một đường chuyển cánh của người đồng đội. Nhờ đó, công việc phòng ngự của hậu vệ cánh đối phương dễ dàng hơn rất nhiều.
Khó có thể kết luận tầm hoạt động của Hồng Duy xuất phát từ thiên hướng chơi bóng của riêng cầu thủ này, hay do chỉ đạo từ ông Park. Nhưng điều đó không giúp ích nhiều cho việc kéo giãn hàng thủ Singapore để khai thác khoảng trống. Việc của một wingback vẫn là bám biên, sẵn sàng có mặt ở những vị trí thích hợp để mở ra điểm nhận bóng từ đồng đội. Ngay cả khi không nhận bóng, bản thân vị trí đứng đó thôi cũng sẽ lôi kéo theo hậu vệ cánh theo kèm của đối thủ, mở ra không gian chiếm lĩnh cho đồng đội ở bên trong. Hồng Duy thường tiến tới gần bóng hơn, hoặc tiến tới gần chính diện khung thành đối thủ hơn để tấn công.
Còn ở trận đấu trước Lào, khi Văn Hậu rời sân ở phút 65, người vào thay ở cùng vị trí là Văn Thanh cũng có xu hướng bỏ vị trí ở biên để bó vào trung lộ khá nhiều. Khó có thể biết rõ điều gì dẫn tới sự thoải mái và tự do của một wingback như vậy, có thể là xuất phát từ thế trận mà Việt Nam đã dẫn trước tới 4-0, hoặc cũng có thể là sự cho phép của HLV trưởng.
Dựa trên những đặc điểm trong cách chơi của Văn Hậu và Tấn Tài so với Hồng Duy và Văn Thanh, cùng đường hướng tấn công của tuyển Việt Nam, sự lựa chọn số một ở cặp biên thủ của ông Park không khó để nhận ra.
Hoàng Thông