Ứng dụng giải pháp chống cuộc gọi spam, lừa đảo
Từ năm 2020, Chính phủ ban hành những Nghị định và các văn bản hướng dẫn giúp các đơn vị, doanh nghiệp có căn cứ pháp lý để triển khai giải pháp Voice Brandname.
Tuy nhiên hiện còn một số vấn đề cần giải quyết để có thể triển khai được triệt để như:
1. Kết nối liên mạng giữa các mạng viễn thông để có thể sử dụng một đầu số, hiện thị đủ name của doanh nghiệp, tổ chức.
2. Thống nhất mức giá chuyển tiếp - kết nối cuộc gọi Voice Brandname giữa các doanh nghiệp.
3. Đăng ký giấy tên định danh được nhanh và dễ dàng hơn cho các tổ chức.
4. Các doanh nghiệp, tổ chức cần có công cụ đi kèm để sử dụng triệt để cuộc gọi định danh khi liên lạc ra ngoài với khách hàng, đối tác, không chỉ dùng ở Call Center.
5. Các đầu số brandname của doanh nghiệp lớn như Bank/Logistict/TMDT/Y tế/Giáo dục... cũng đang bị chặn nhiều khiến phải thay số liên tục dẫn tới phiền phức trong triển khai đồng bộ.
Tôi xin kiến nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có phương án để sớm có thể ứng dụng triệt để giải pháp là phương tiện hữu hiệu trong công cuộc chống cuộc gọi spam, lừa đảo.
Tôi rất sẵn lòng cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bộ giải pháp này cho các nước đối tác chưa triển khai.
Vũ Gia Luyện
Tác giả giải pháp Cuộc gọi định danh thương hiệu Voice Brandname
Trả lời:
Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng cảm ơn ý kiến đề xuất của độc giả.
1. Vấn đề 1:
- Thực hiện quy định tại Nghị định 91/2020/NĐ-CP, nhằm hạn chế tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi quảng cáo không đúng quy định, trong thời gian qua, các đơn vị của Bộ (Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin) đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai các biện pháp bảo đảm chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo khi đã được cấp tên định danh (brandname).
- Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông di động, đến hết năm 2024, các doanh nghiệp di động (Viettel, VNPT, MobiFone) đã triển khai yêu cầu các đối tác quảng cáo, đối tác sử dụng dịch vụ qua công nghệ Siptrunk phải gán brandname với các tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo. Theo đó các thuê bao di động nội mạng của các doanh nghiệp đều đã hiển thị/thấy brandname của các đối tác này.
- Trong năm 2024 các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, MobiFone) đã kết nối thử nghiệm thành công việc hiển thị brandname liên mạng thông qua việc chia sẻ dữ liệu các số thuê bao gắn với Brandname. Vấn đề vướng mắc hiện nay là các doanh nghiệp chưa thống nhất được mức giá/chi phí dịch vụ hiển thị brandname liên mạng - do vậy về kỹ thuật sẽ không cần thiết triển khai thêm một đầu số cho nội dung này.
- Về cơ bản, khi triển khai brandname liên mạng thì chỉ cần dùng 01 số thuê bao của doanh nghiệp viễn thông để gắn với tên định danh, thay vì mỗi nhà mạng phải sử dụng một số thuê bao như hiện nay.
2. Vấn đề 2:
- Ngày 04/11/2024, Cục Viễn thông đã có văn bản số 4917/CVT-KT gửi các doanh nghiệp viễn thông về việc thông báo giá triển khai Voice Brandname liên mạng của 03 doanh nghiệp Viettel, VNPT và MobiFone. Căn cứ trên báo cáo chi phí của 03 doanh nghiệp, Cục Viễn thông đã yêu cầu các doanh nghiệp đàm phán kết nối cung cấp dịch vụ Voice Brandname dựa trên chi phí hiển thị VBRN được đề xuất tại văn bản trên.
- Căn cứ trên mức chi phí hiển thị Voice Brandname này, doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện đàm phán và đạt được thỏa thuận về việc kết nối với mức giá hiển thị Voice Brandname tham chiếu theo hướng dẫn tại công văn số 4917/CVT-KT ngày 04/11/2024.
- Cụ thể, Viettel đã đàm phán xong với các doanh nghiệp và dự kiến ký hợp đồng trong tháng 4/2025; VNPT dự kiến ký kết trong tháng 6/2025; Mobifone đang trong quá trình triển khai đàm phán và ký kết.
3. Vấn đề 3:
Bộ Khoa học và Công nghệ (trước đây là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hướng dẫn về hệ thống quản lý tên định danh và ban thành quy định về thủ tục đăng ký tên định danh nhanh chóng và dễ dàng hơn cho các tổ chức (Điều 23, 24 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP).
4. Vấn đề 4:
Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị công nghệ để phát triển các công cụ hỗ trợ tích hợp Voice Brandname vào các nền tảng liên lạc khác ngoài hệ thống Call Center
5. Vấn đề 5:
Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận, đánh giá cao các sáng kiến, đề xuất, giải pháp từ các cá nhân và doanh nghiệp đối với các nội dung về định danh để có thể triệt để chống các cuộc gọi spam, lừa đảo.
Bộ Khoa học và Công nghệ