Thông tin được các chuyên gia nêu trong hội thảo: "Ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa cho nông nghiệp công nghệ cao" do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng 30/10 tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo 2020.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật mang tính quyết định để nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Bên cạnh việc áp dụng công nghệ nhà kính, nhà màng..., các công nghệ truy xuất nguồn gốc giúp người dùng hiểu rõ chất lượng sản phẩm thực sự cần thiết.
Tuy nhiên Thạc sĩ Nguyễn Văn Đoan, Chuyên gia đánh giá, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng, hiện việc áp dụng công nghệ để tối ưu hóa phương pháp truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn còn hạn chế. "Truy xuất nguồn gốc chính là yếu tố được người dùng quan tâm nhất, nhưng gặp truy nhiều bất cập như sản phẩm không đủ thông tin, hoặc có tem và mã quét sản phẩm nhưng không dẫn tới một nguồn thông tin nào", ông nói.
Ông cho biết, một mã quét truy xuất đạt chất lượng không đơn thuần là đưa thông tin về tên, khối lượng, thời gian gieo trồng và hạn sử dụng mà phải cho thấy độ an toàn về các hợp chất, thời gian cách ly phân bón, thuốc trừ sâu của một nông sản. Các mã quét này được đưa lên một hệ thống truy xuất gồm các hoạt động định danh sản phẩm, thu thập lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm với thời gian chính xác.
Đặc biệt, mỗi sản phẩm được gắn một mã QR Code trong suốt quá trình từ khi gieo trồng, chế biến cho đến khi ra thị trường tiêu thụ, không phải chỉ khi được thu hoạch, nông sản đó mới được gắn mã truy xuất. "Chỉ khi mã truy xuất nông sản có đầy đủ các thông tin, các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của nông sản mới có giá trị", ông Đoan nói.
Để có thể tích hợp lượng lớn dữ liệu vào mã vạch hoặc mã QR của nông sản, ThS Đoan gợi ý áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử hoặc tính hợp AI vào nhận diện mã vạch. Các phương pháp này có khả năng truy xuất nhanh, chính xác và không bị hạn chế lưu trữ thông tin lớn, dễ dàng nhập dữ liệu và tìm kiếm số liệu.
"Chính việc áp dụng AI mới có thể giúp người nông dân dễ dàng áp dụng phương pháp truy xuất nguồn gốc điện tử. Bởi nông dân vẫn có thể ghi chép bằng tay quá trình sản xuất, sau đó chỉ cần hệ thống quét và AI nhận diện chữ viết tay, các thông tin truy suất hoàn toàn có thể đưa lên hệ thống. Nhờ vậy, phương pháp truy xuất mới có thể được triển khai rộng rãi",ông nói.
Ngoài ra, việc truy xuất nguồn gốc cần tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao vị thế chất lượng nông sản, đem lại giá trị kinh tế cao.
Nguyễn Xuân