"Đây là giải cấp châu lục, các CLB của Việt Nam khó đáp ứng được chuyên môn. Vì vậy, chúng ta thường dự giải với đội tuyển quốc gia. Năm nay tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ lấy tên là Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia I, tức Sport Center I", ông Trần Đức Phấn, phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam lý giải về tên gọi của đội.
Ông Phấn cho biết giải bóng chuyền các CLB nữ châu Á là cơ hội tốt để thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt chuẩn bị cho SEA Games 32 tại Campuchia vào tháng 5, bởi giải có cả những đối thủ có trình độ chuyên môn cao hơn, ngang bằng và thấp hơn.
Ngoài tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, giải còn có các CLB Hisamitsu Springs (Nhật Bản), Liaoning Donghua (Trung Quốc), Diamond Food Fine Chef Sport Club (Thái Lan), King Whale Taipei (Đài Loan), Paykan (Iran), Altay (Kazakhstan), Khuvsgul Erchim (Mongolia)và Hip Hing VC (Hong Kong). Các đội được chia làm hai bảng, thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm từ ngày 25/4 đến 29/4. Từ ngày 30/4, căn cứ trên kết quả thi đấu vòng bảng các đội sẽ thi đấu xếp hạng từ một đến 4 và từ 5 đến 9.
Giải bóng chuyền các CLB nữ châu Á diễn ra tại nhà thi đấu tỉnh Vĩnh Phúc với sức chứa 3.000 chỗ ngồi. Ngoài vé mời, Ban tổ chức sẽ bán từ 500 đến 700 vé mỗi ngày thi đấu, với giá từ 30.000 đồng tới 50.000 đồng. Giải cũng áp dụng công nghệ Video Challenger, giống VAR trong bóng đá để xem lại các tình huống khi có tranh cãi.
Trường đại học Đại Nam là nhà tài trợ chính cho giải. Hiệu trưởng Phạm Văn Hồng cho biết sẽ tính toán thưởng nóng cho tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong từng trận đấu, để giúp các cầu thủ có tinh thần thi đấu tốt hơn.
Lâm Thỏa