"Phóng vệ tinh là thực hiện quyền hợp pháp, hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế về sử dụng hòa bình không gian", Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận đảng Lao động Triều Tiên, hôm nay đưa tin.
Theo tờ báo, đây là lĩnh vực cạnh tranh quốc tế không chỉ dành cho số ít các nước phát triển mà còn cho nhiều quốc gia khác, ví dụ như Algeria, Venezuela.
"Triều Tiên cũng bước vào xu thế phát triển không gian đang diễn ra rộng khắp trên thế giới", tờ báo viết. Triều Tiên sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển không gian "hòa bình", nhằm "đóng góp cho những giấc mơ và lý tưởng của loài người".
Rodong Sinmun khẳng định với vụ phóng vệ tinh Kwangmyongsong-4 hồi tháng 2/2016, Bình Nhưỡng đã bước vào giai đoạn phát triển vệ tinh ứng dụng.
Thông tin trên làm dấy lên lo ngại Triều Tiên sắp thử tên lửa dưới danh nghĩa nghiên cứu không gian. "Đó có thể là một phần nỗ lực nhằm tạo ra cái cớ để phóng tên lửa tầm xa", Cho Sung-ryul, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện an ninh chiến lược quốc gia Hàn Quốc, nhận định.
Triều Tiên ngày 24/12 chỉ trích nghị quyết trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc nhằm vào nước này "không khác gì hành động chiến tranh". Nghị quyết được Hội đồng Bảo an thông qua ngày 22/12, đáp trả vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên cuối tháng 11.
Triều Tiên bị Liên Hợp Quốc cấm phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Triều Tiên cho rằng chương trình hạt nhân là cần thiết để đối phó với sự thù địch từ Mỹ, có khoảng 28.500 binh sĩ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay kêu gọi Mỹ và Triều Tiên bắt đầu đàm phán. Ông nói Nga sẵn sàng tạo điều kiện cho hoạt động này.
Như Tâm