Triển lãm tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tạo năm học 2021-2022. Các công trình được giới thiệu tại sự kiện được hội đồng chấm điểm và trao 22 giải nhất, 22 giải nhì, 22 giải ba. Trong số này, 12 đề tài xuất sắc trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, y dược, nông nghiệp được giới thiệu tham dự sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
Xuất hiện tại khu triển lãm, Vũ Danh Huy (22 tuổi, trường Điện-Điện tử) giới thiệu công trình của nhóm được trưng bày. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, mô hình học sâu Unet, giúp phát hiện vùng tổn thương đường tiêu hóa trên từ ảnh nội soi. Danh Huy cho biết, kết quả thực nghiệm phương pháp trên cho kết quả tốt hơn so với khi chỉ sử dụng riêng mô hình học sâu truyền thống.
Nghiên cứu được thực hiện dưới dự hướng dẫn của PGS.TS Trần Thị Thanh Hải, phối hợp với bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã phát triển công cụ khoanh vùng giúp các bác sĩ phân tích tốt hơn các tổn thương đường tiêu hóa để chẩn đoán và điều trị.
Nhóm sinh viên Ngô Thị Nhung, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường giới thiệu về công trình chế tạo vật liệu hiệu năng cao, ứng dụng tách và thu dầu trong khắc phục sự cố tràn dầu. Nghiên cứu của nhóm đã chế tạo aerogel hấp phụ dầu từ phụ phẩm nông nghiệp (vỏ sầu riêng) để ứng dụng trong mô hình thiết bị. Nhung cho biết, vật liệu được chế tạo có khả năng phân hủy sinh học, có tính kỵ nước và có dung lượng hấp phụ dầu cao.
Nhóm của Nguyễn Thùy Dung, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông lại mang đến sản phẩm Fi-Mi, giúp tối ưu hóa đồng thời vị trí sạc và thời gian sạc nhằm kéo dài thời gian sống của mạng cảm biến sạc không dây. Nhóm nghiên cứu do TS Nguyễn Phi Lê, BKAI hướng dẫn cũng đạt giải nhất tại hội nghị.
Tại triển lãm, tàu USV do nhóm sinh viên Khoa Cơ khí động lực, Trường Cơ khí, cũng nhận được sự quan tâm. Tàu tự hành với khả năng tự động tạo và bám quỹ đạo, đồng thời thu dữ liệu môi trường giúp ứng dụng trong khảo sát sông hồ (đo độ sâu mà không cần trực tiếp ra nơi khảo sát).
PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá cao những kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng của sinh viên. Theo ông, các nghiên cứu này nếu có đầu tư, hoàn toàn có thể triển khai thành những công ty start-up, thương mại sản phẩm ra thị trường.
Ông Thắng kỳ vọng hình thành ngày càng nhiều các doanh nghiệp start-up từ sinh viên, doanh nghiệp spin-off. "Đó sẽ là mô hình thành công và càng thu hút, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học", PGS Thắng nói.
Như Quỳnh