Menu

Nhiều em vẫn còn ngái ngủ, gục lên vai bạn tranh thủ chợp mắt trước khi đến lượt. Thầy cô giáo thay phiên nhau đi lấy nước giếng cách đó vài trăm mét, hỗ trợ các em, dọn dẹp chất thải, rác thải.

Đây là công việc quen thuộc với các giáo viên ở điểm trường rẻo cao. Không chỉ sáng sớm, cuối buổi học, sau khi rời bục giảng các thầy cô lại xắn tay áo, xách nước dọn dẹp.

"Nhà vệ sinh chật hẹp, rác thải, chất thải ứ đọng không thoát kịp, nhất là vào mùa mưa. Dù vất vả, chúng tôi vẫn phải dọn dẹp mỗi ngày vì đó là nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe, môi trường cho các em, giữ chân học sinh đến trường", thầy Nguyễn Bình Diên - giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hồ Thầu cho hay.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hồ Thầu (Lai Châu) có 500 học sinh. Tất cả đều là người dân tộc Dao, đời sống kinh tế khó khăn. Trong số đó có 150 em thuộc đối tượng bán trú, học tập và sinh hoạt tại trường từ thứ hai đến thứ sáu. Hiện tại điểm trường này chỉ có một nhà vệ sinh hai khoang dành cho nam và nữ, xây dựng từ năm 2008.

Loạt nhà vệ sinh tại các điểm trường ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và Tam Đường (Lai Châu) xuống cấp, thầy cô giáo thường xuyên phải thông tắc.

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở điểm trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nùng Nàng (Tam Đường, Lai Châu). Khu tiểu học chỉ có một nhà vệ sinh tạm, quây tôn xập xệ. Giờ ra chơi, các em xếp hàng chờ nhau. Nhiều hôm chưa đến lượt đã hết giờ, học sinh phải quay lại lớp.

Em Hoàng Thảo Nguyên - học sinh lớp 3 trường Nùng Nàng kể lại, có những ngày em không thể tập trung nghe giảng vì chưa kịp giải quyết "nỗi buồn" trong giờ ra chơi đã phải vào lớp.

Là học sinh bán trú, ngủ lại trường, nhiều đêm Nguyên không dám dậy đi vệ sinh vì sợ mùi hôi, sợ trời tối mà đường từ nhà bán trú ra khu vệ sinh lại xa. "Mỗi lần như thế em không thể ngủ ngon. Muốn đi phải gọi thầy cô hoặc các anh chị lớn đi cùng", Nguyên nói.

Khu vực bán trú của 262 học sinh Nùng Nàng không có nhà tắm, không có khu vệ sinh. "Đường đi khá xa, về đêm tối tăm, gây khó khăn cho các em, đặc biệt là nhóm tiểu học, khối lớp 1. Nhiều học sinh sợ hãi, ám ảnh việc đi tắm, đi vệ sinh", cô Đỗ Thị Hải - giáo viên trường TH và THCS Nùng Nàng chia sẻ.

Học sinh trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nùng Nàng, Lai Châu xếp hàng chờ đợi đi vệ sinh mỗi giờ ra chơi.

Không chỉ là nỗi ám ảnh của học sinh, đây cũng là nỗi niềm của nhiều giáo viên nơi rẻo cao. Bởi việc vận động, đưa các em đến trường đã khó, giữ chân học sinh lại càng khó hơn.

Hơn 30 năm công tác tại tiểu học Bản Giang (Tam Đường, Lai Châu), cô Phạm Thị Ngoan nói trăn trở lớn nhất là cơ sở vật chất còn thiếu thốn, công trình vệ sinh và nguồn nước sạch không đảm bảo cho thế hệ măng non. "Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giảng dạy, tâm sinh lý và sức khỏe các em", cô Ngoan nói.

Thực trạng này không chỉ diễn ra ở các điểm trường Lai Châu. Đây là tình trạng chung của hàng chục điểm trường ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đơn cử như trường PTDT bán trú, Tiểu học và Trung học cơ sở Mồ Dề. Theo hiệu trưởng Phạm Minh Dũng, trường có hơn 1.000 học sinh, trong đó có hơn 900 học sinh ăn ở, sinh hoạt tại trường. Nhưng khu bán trú chỉ có một nhà vệ sinh sáu khoang làm bằng tôn, đã mục nát.

"Công trình có nhiều điểm nứt, vỡ. Giờ cao điểm học sinh đến rất đông khiến khu vệ sinh luôn trong tình trạng quá tải", thầy Dũng nói.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Tiểu học và Trung học cơ sở Kim Nọi cũng trong tình trạng tương tự. Cửa tôn mục nát, nền nhà đọng nước thải, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng... Do không còn lựa chọn khác, gần 600 học sinh nơi đây vẫn phải sử dụng để sinh hoạt mỗi ngày.

Những khu vệ sinh trường học tại Yên Bái và Lai Châu xập xệ bốc mùi hôi thối.

Ở góc độ y tế, nhà vệ sinh đọng nước bẩn, chất thải không bị rửa trôi, tiêu hủy... là môi trường thuận lợi cho khuẩn E.Coli hoạt động. Đây là vi khuẩn chính gây nên bệnh tiêu chảy. Trong các bệnh lý đường tiêu hóa, tiêu chảy là bệnh dễ lây nhiễm cho trẻ đứng hàng thứ hai chỉ sau hô hấp. Trẻ có thể bị đau bụng, tiêu chảy qua tiếp xúc bồn cầu (bệ ngồi) bị ô nhiễm, nước bẩn từ nhà vệ sinh. Bệnh tiêu chảy tiến triển và trở nên nặng có thể gây ra những cơn đau quặn bụng dữ dội kèm theo phân có máu và nôn mửa.

Trẻ có thể mắc bệnh kiết lỵ khi sử dụng nhà vệ sinh bẩn ở trường học hay nơi công cộng. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, xảy ra ở đường tiêu hóa do vi khuẩn shigella, salmonella gây ra. Vi khuẩn này rất dễ lây lan trong điều kiện nhà vệ sinh kém, nếu tay bị nhiễm khuẩn vô tình đưa lên miệng, cầm nắm đồ ăn chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể người. Biểu hiện của bệnh thường là nôn và tiêu chảy nghiêm trọng, người bệnh mất nước, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nhà vệ sinh bẩn cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa, tiết niệu.

Hiểu được những nỗi lo này, Quỹ Hy vọng (Hope) tiếp tục triển khai dự án "Vệ sinh học đường" năm thứ ba, tại Tam Đường (Lai Châu) và Mù Cang Chải (Yên Bái).

Nói về lý do chọn hai huyện này, đại diện Quỹ Hy vọng cho biết, đây là hai địa phương Quỹ từng thực hiện dự án xây trường học. Trong quá trình đó, Hope nhận thấy, ngoài nhu cầu về phòng học, nhà vệ sinh là nhu cầu thiết yếu và là vấn đề nhức nhối.

"Ở đây, nhiều công trình vệ sinh xuống cấp nặng, tình trạng quá tải xảy ra phổ biến. Có trường hơn 1.000 học sinh nhưng chỉ có 4 phòng vệ sinh quây tôn, thiếu sáng, thiếu nước, thiếu hệ thống xả thải. Điều này ảnh hưởng lớn đến môi trường học tập của học sinh", đại diện Quỹ Hy vọng chia sẻ.

Ngoài ra, Mù Cang Chải là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, tất cả các xã đều thuộc diện xã đặc biệt khó khăn. Còn Tam Đường là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lai Châu, có 12 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, chiếm 85%. Cuối năm 2022, toàn huyện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 27%. "Điều kiện như vậy khiến việc huy động nguồn lực để xây dựng gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi sẽ đồng hành với địa phương để thực hiện dự án này", đại diện dự án cho hay.

Dự án "Vệ sinh học đường" do Quỹ Hope triển khai cùng Sanofi Việt Nam từ 2022 hướng đến xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn, có nguồn nước sạch cho học sinh vùng cao.

Dự án năm nay có sự đồng hành của nhãn hàng men ống vi sinh Enterogermina. Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam tham gia tư vấn, thiết kế, giám sát. Trong quá trình triển khai, các phòng giáo dục địa phương đề xuất nhu cầu, huy động các nguồn lực tham gia đối ứng và giáo viên, học sinh cùng giám sát.

Năm nay dự án dự kiến khánh thành 20 công trình vào đầu tháng 9, phục vụ 8.500 học sinh, giáo viên. "Đây như món quà mà Quỹ Hy vọng và nhãn hàng men ống vi sinh Enterogermina dành tặng ngay đầu năm học mới, nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi cho học sinh và giáo viên", đại diện Hope nói.

Nội dung: Thanh Lan, Thiết kế: Ngân Hà, Ảnh: Tùng Đinh