Nội dung được nêu tại Quyết định "Quy định về hạn mức giao đất ở cho cá nhân trên địa bàn TP HCM" vừa được UBND thành phố ban hành, chiều 30/9. Quyết định này áp dụng cho các cá nhân đủ điều kiện được giao đất theo quy định của Luật đất đai 2024 và thay thế cho Quyết định 18/2016.
Đất ở là diện tích được sử dụng cho xây dựng nhà, công trình phục vụ đời sống; đất vườn, ao gắn liền với nhà ở trong cùng thửa. Hạn mức đất ở được đưa ra để cơ quan quản lý dựa vào đó công nhận quyền sử dụng, giao đất, bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Mỗi tỉnh, thành phố có hạn mức đất ở khác nhau.
Đất được giao thuộc nhà nước quản lý. Theo quy định của luật, cá nhân được giao đất như cán bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu, quốc phòng... nhưng chưa có nhà. Giáo viên, nhân viên y tế làm việc ở xã biên giới, hải đảo... chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở.
Trước đây, đất ở giao cho cá nhân và đất ở được công nhận cho hộ gia đình đều chung hạn mức và được quy định tại quyết định 18/2016. Tuy nhiên, lần này chính quyền TP HCM tách làm hai.
Tại quyết định này, thành phố quy định hạn mức đất ở giao cho cá nhân, thuộc quyền quản lý của nhà nước. Cụ thể, cá nhân ở các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và TP Thủ Đức được giao không quá 160 m2 đất ở.
So với mức cũ, hạn mức đất ở tối đa giao cho cá nhân tại các địa phương gồm TP Thủ Đức, quận 7, 12, Bình Tân giảm từ 200 m2 xuống 160 m2.
Hạn mức đất ở tối đa giao cho cá nhân tại thị trấn các huyện và khu vực đã thực hiện dự án xây dựng đô thị mới theo quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ không quá 200 m2. Con số này không đổi.
Hạn mức đất ở mỗi cá nhân ở các xã của các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ không quá 250 m2. Trong khi đó, theo Quyết định 18, con số này là 300 m2.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, do quỹ đất ngày càng ít nên thành phố cần thiết phải giảm hạn mức đất giao để phù hợp điều kiện thực tế. Đối với hạn mức đất ở được công nhận của hộ gia đình sẽ thuộc một quyết định khác, "trên tinh thần tôn trọng, đảm bảo quyền lợi cho người dân".
Trước đó, giữa tháng 7, Sở này có đề xuất gửi Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố cùng các sở ngành liên quan góp ý triển khai dự thảo hạn mức đất ở công nhận với cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn. Tại dự thảo này, cơ quan chủ trì đề xuất giảm hạn mức đất ở tại một số địa phương với lý do TP Thủ Đức (sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức cũ) cùng với quận 7, 12, Bình Tân có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu phát triển nhà ở tương tự quận nội thành. Mặt khác, nhu cầu sử dụng đất ở để xây nhà tại thành phố rất lớn, song quỹ đất không còn nhiều.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết Luật Đất đai mới quy định các trường hợp sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà nay được công nhận quyền sử dụng đất ở thì không phải nộp tiền sử dụng đối với phần diện tích đất ở trong hạn mức. Do đó, với hạn mức đất ở cao có thể giảm thu ngân sách nhà nước về tiền sử dụng đất.
Đến giữa tháng 9, Sở Tài nguyên và Môi trường lại đề xuất giữ nguyên hạn mức đất ở như Quyết định 18. Lý do được cơ quan này đưa ra là việc tiếp tục duy trì hạn mức như hiện tại sẽ tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp giữa người sử dụng đất được công nhận hạn mức trước và sau thời điểm ban hành quyết định mới. Ngoài ra giữ nguyên 4 hạn mức đất ở giúp đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, giảm bất cập trong công tác bồi thường liên quan đến đất ở.
Lê Tuyết