"Tổng thống Putin đã nói rằng ông ấy sẵn sàng đàm phán với ông Volodymyr Zelensky trong trường hợp cần thiết, nhưng nền tảng pháp lý cho các thỏa thuận cần được thảo luận, vì tính chính danh của ông Zelensky có thể bị hoài nghi", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc họp báo ở Moskva ngày 18/2.
Đây là lần đầu tiên Nga đề cập tới khả năng đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine, nhưng ông Peskov không nêu rõ "trường hợp cần thiết" là gì.
Tổng thống Putin tháng trước cho biết Moskva có thể đàm phán hòa bình với Kiev, nhưng loại trừ khả năng thảo luận trực tiếp cùng ông Zelensky vì nhiệm kỳ của Tổng thống Ukraine "đã hết hạn" trong thời gian thiết quân luật.
Nga từ lâu cho rằng Tổng thống Zelensky không còn thẩm quyền pháp lý vì nhiệm kỳ của ông đã kết thúc vào tháng 5/2024 và Ukraine chưa tổ chức bầu cử tổng thống từ đó đến nay.
Tuy nhiên, chính quyền Ukraine khẳng định ông Zelensky vẫn là Tổng thống hợp pháp, do tình trạng thiết quân luật được ban bố từ tháng 2/2022 chưa kết thúc, khiến đất nước không thể tổ chức bầu cử trong thời chiến.
Tổng thống Zelensky cuối năm 2022 ký sắc lệnh cấm đàm phán trực tiếp với Nga chừng nào Tổng thống Putin còn tại nhiệm. Lãnh đạo Ukraine hôm 14/2 nói chỉ sẵn sàng đối thoại trực tiếp với ông Putin sau khi Ukraine thống nhất quan điểm với Mỹ, châu Âu về cách chấm dứt xung đột.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva ngày 17/2. Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp báo, khi được hỏi liệu Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hay không, ông Peskov nói "đây là quyền chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào". "Chúng tôi đang nói về quá trình hội nhập và hội nhập kinh tế. Và tất nhiên, không ai có thể ra lệnh cho bất kỳ quốc gia nào, và chúng tôi sẽ không làm điều đó", Peskov nói.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Nga có quan điểm khác trong các vấn đề về liên minh an ninh và quân sự liên quan Ukraine, dường như đề cập đến mong muốn gia nhập NATO của Kiev. "Về vấn đề này, chúng tôi có cách tiếp cận khác và mọi người đều biết rõ rồi", Peskov cho hay.
Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2022, không lâu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước láng giềng. Đến cuối tháng 6/2024, EU khởi động đàm phán kết nạp Ukraine, song quá trình này dự kiến mất 10 năm.
Bên cạnh đó, Ukraine cũng muốn trở thành thành viên NATO và nộp đơn xin gia nhập từ tháng 9/2022. Nga tuyên bố việc Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO là một trong những lý do dẫn đến xung đột.
Tại hội nghị thượng đỉnh cuối năm 2024 ở Washington, các nước NATO ra tuyên bố chung khẳng định tương lai kết nạp Ukraine là "không thể đảo ngược", song chưa gửi lời mời gia nhập đến Kiev.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước chỉ trích người tiền nhiệm Joe Biden vì đã ủng hộ khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO, ám chỉ đây là nguyên nhân khiến Nga mở chiến dịch tại quốc gia láng giềng. Ông Trump cũng bày tỏ thông cảm với lập trường của Nga rằng Ukraine không nên là thành viên NATO.
Phái đoàn quan chức cấp cao Nga, Mỹ hôm nay bắt đầu đàm phán tại Arab Saudi nhiều vấn đề, trong đó có chấm dứt chiến sự Ukraine. Đây là cuộc gặp chính thức cấp cao đầu tiên giữa Nga và Mỹ kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra đầu năm 2022. Tuy nhiên, Ukraine không được mời tham gia đàm phán.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)