Cứ tưởng đó chỉ là câu nói bâng quơ của một đứa trẻ nhưng 8 năm sau, trước khi đặt chân lên máy bay, Maysaa một lần nữa nói với mẹ: "Vậy là con đã thực hiện được ước mơ thuở bé".
Maysaa Bouavone Phanthaboouasy sinh tại tỉnh Luang Prabang, từ nhỏ đã được nghe ông bà kể chuyện về những người bộ đội Việt Nam giúp quân đội Lào đánh Mỹ, tình yêu Việt Nam đã bắt đầu nảy nở. Năm lớp 6, cô bé được xem một bộ phim lịch sử về chiến dịch Cánh đồng Chum năm 1972 của liên quân Việt - Lào. Dù chưa hiểu hết ý nghĩa to lớn của chiến thắng này nhưng điều đọng lại với cô bé khi đó là "Việt - Lào là anh em".
Khi người anh họ được học bổng sang Việt Nam du học, mỗi lần về nước, những câu chuyện về Việt Nam với sự phát triển và văn hóa đa dạng khiến sự háo hức của cô bé tăng lên gấp bội. Trong hình dung của Maysaa khi đó, người Việt dù nghiêm khắc trong công việc nhưng tốt bụng và khoan dung, đặc biệt yêu quý và luôn giúp đỡ người Lào.
Năm lớp 12, Maysaa đạt giải nhì cấp tỉnh cuộc thi về ASEAN và nhận được học bổng đại học ở Việt Nam. Trong nhiều lựa chọn, cô đã chọn khoa Tài chính-ngân hàng Đại học Công nghiệp Quảng Ninh vì "Lào không có biển nên muốn đến Quảng Ninh xem biển thế nào".
Nhưng những ngày đầu ở Việt Nam không dễ dàng với một sinh viên nước ngoài như Maysaa. Mới sang Việt Nam, bạn cùng phòng đều là người lạ nên ít giao lưu. Không cùng ngôn ngữ, ẩm thực không hợp phải ăn mỳ tôm cả tháng khiến thời gian đầu Maysaa "cứ rảnh là ngồi khóc". Nhiều lần gọi điện về nhà, cô có ý định trở lại Lào.
"Các bạn đều làm được, tại sao con lại không?", câu nói của mẹ làm cô gái thức tỉnh.
Làm quen với tiếng Việt là chuỗi những ngày gian nan với cô gái Lào vì "thứ ngôn ngữ gì mà có tới sáu thanh và năm dấu". Để nhanh nói được, Maysaa chủ động hơn trong việc kết bạn. Cô nhờ sinh viên Lào khóa trên đưa đi chợ, đi chơi để quen dần môi trường sống. Cô cũng nói chuyện nhiều hơn với sinh viên Việt mỗi khi có dịp giao lưu, xin kết bạn làm quen rồi nhắn tin thường xuyên. Khi Maysaa viết sai câu nào lại được mọi người chỉnh sửa giúp câu đó.
"Cứ nhìn thấy thứ gì tôi cũng hỏi 'nói như thế nào?' rồi chép lại", Maysaa kể. Khi mọi người nói chuyện, cô lắng nghe thật kỹ, phán đoán ý nghĩa của từng từ, không hiểu sẽ hỏi lại. Cứ nghe rồi ghi nhớ, dần dà vốn từ nhiều và phong phú lên. Từ việc bị động, hỏi gì trả lời nấy với những câu ngắn gọn thì nay cô gái này đã biết cách khơi gợi nhiều vấn đề hơn.
Bằng cách này, kết thúc năm đầu tiên, Maysaa có điểm số cao thứ ba trong số hơn 50 sinh viên Lào.
Ở Việt Nam, Maysaa cũng thích ăn bún đậu mắm tôm, lê la trà đá vỉa hè, ngẩn ngơ với những xe hoa bán rong trên phố. Cô thích chạy xe máy ngắm nhìn đường phố, dừng tại bất cứ nơi nào trên đường rồi chụp cho mình những bức hình kỷ niệm. Tiếng Việt của cô gái này cũng thạo đến nỗi nhiều lần bị yêu cầu xuất trình giấy tờ vì không ai tin là người nước ngoài.
Không dừng lại ở giao tiếp thông thường, Maysaa sử dụng tiếng Việt lập kênh Tiktok chia sẻ về văn hóa, con người và phong tục của cả hai đất nước. Để thể hiện tình yêu của mình với mảnh đất đang sinh sống và học tập, trong đầu trang, cô luôn để dòng chữ "Cô bé Lào yêu Việt Nam".
Maysaa thực hiện video đầu tiên vào tháng 4/2023 khi muốn giải thích mình không phải người Việt như nhiều người lầm tưởng. Video này lập tức lên xu hướng và nhận được nhiều bình luận. Điều này giúp Maysaa nhận ra người Việt rất quan tâm tới Lào nên cô quyết định làm nhiều video hơn, chia sẻ và giới thiệu quê hương.
Vì bận đi học nên Maysaa thường chỉ quay video vào thứ 7, chủ nhật hoặc những lúc rảnh rỗi. Khoảng 2-3 ngày cô sẽ sản xuất một video, với những nội dung như Cuộc sống lưu học sinh Lào, Những món ăn vỉa hè Việt Nam, Sự khác biệt giữa những tập tục của người Lào và người Việt. Hiện cô gái Lào đã trở thành một Tiktoker nổi tiếng với gần một triệu lượt theo dõi với 20 triệu lượt yêu thích.
Để làm được những video giá trị, Maysaa dành nhiều thời gian để tìm hiểu về Việt Nam qua các nền tảng mạng xã hội, bộ phim lịch sử cũng như trải nghiệm thực tế. Là người nước ngoài làm video nói tiếng Việt nên cô rất cẩn trọng khi viết nội dung, thường phải lên kịch bản trước rồi gửi cho bạn bè người Việt kiểm tra lại giúp.
"Nhờ những video này mà khi ra ngoài đường nhiều người nhận ra và nói rằng nhờ tôi họ mới biết nhiều điều thú vị về đất nước Lào, qua đó thấy yêu Lào nhiều hơn", Maysaa nói.
Maysaa tự nhận mình là "người Việt chính hiệu" sau hơn bốn năm sinh sống tại đây bởi đã thành thạo mọi phong tục, tập quán sinh hoạt.
Với sức ảnh hưởng của mình, tháng 5/2024, Maysaa nhận được lời mời từ Cục thông tin đối ngoại tham gia khai trương Trung tâm báo chí nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngoài ra, cô còn tham gia nhiều buổi giao lưu, nói chuyện, chia sẻ hành trình học tập tại Việt Nam do Đại sứ quán tổ chức.
Tình yêu của Maysaa với Việt Nam lớn đến mức chính bố mẹ cô cũng tò mò muốn tìm hiểu đất nước này. Và rồi chính họ cũng đã phải lòng Việt Nam khi lần đầu đến Quảng Ninh, tháng 8/2024 khi dự lễ tốt nghiệp đại học của con gái.
"Giờ tôi mới hiểu vì sao Maysaa coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Chỉ cần nói là người Lào, đi đâu người Việt Nam cũng ưu tiên giúp đỡ và đối xử như anh em hay người thân trong nhà", bà Phone, 48 tuổi, mẹ Maysaa chia sẻ.
Hiện nay khi đã tốt nghiệp đại học và trở về quê hương, Maysaa tiếp tục làm những video ngắn giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Lào với mong muốn gửi gắm những thông điệp tích cực về tình hữu nghị hai nước. Đặc biệt sau chuyến thăm Điện Biên Phủ, nữ sinh Lào ấp ủ thời gian tới sẽ làm các nội dung liên quan đến lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
"Tôi thường nói với mọi người trái tim tôi có hai phần, một cho đất nước mình, một cho Việt Nam. Tôi luôn tin bản thân đã chọn đúng nơi để học tập và yêu thương", cô gái Lào nói.
Hải Hiền