"Triều Tiên dự kiến tìm cách đàm phán với Mỹ, đồng thời tiếp tục theo đuổi nỗ lực để được công nhận là một quốc gia hạt nhân", Reuters dẫn thông báo từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm nay. Thông báo không nêu lý do cho nhận định này.
Triều Tiên có khả năng sẽ tiếp xúc với Hàn Quốc để khôi phục quan hệ giữa hai miền trong năm 2018. Bộ Thống nhất Hàn Quốc sẽ theo dõi bài phát biểu nhân dịp năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 1/1/2018 để phân tích kỹ hơn.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trong năm 2018, Triều Tiên bắt đầu thấy rõ tác động từ các lệnh trừng phạt quốc tế và đơn phương, liên quan đến chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng, và tìm cách hạn chế ảnh hưởng.
"Triều Tiên có thể tối đa hóa các nỗ lực để chống chịu (các lệnh trừng phạt) như thắt chặt kiểm soát xã hội, điều động nhân lực xây dựng kinh tế", phía Hàn Quốc nhận định.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/12 thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên, đáp trả vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bình Nhưỡng hồi tháng 11.
Nghị quyết cấm các nước thành viên Liên Hợp Quốc nhập khẩu các mặt hàng như thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản, đất, đá, gỗ từ Triều Tiên. Triều Tiên bị hạn chế nhập khẩu máy công nghiệp, phương tiện, thép và các loại kim loại khác.
Nghị quyết còn giảm gần 90% sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên, mức trần là 500.000 thùng một năm, yêu cầu hồi hương lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 24 tháng. Lượng dầu thô cung ứng cho Triều Tiên tối đa 4 triệu thùng một năm và tiếp tục giảm nếu Bình Nhưỡng còn thử ICBM.
Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, hôm nay công bố số liệu hải quan cho thấy nước này không xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ sang Triều Tiên trong tháng 11. Bắc Kinh cũng không nhập quặng sắt, than hay chì từ Bình Nhưỡng trong thời gian này.
Như Tâm