Đã 5 năm phóng viên Liu Zhen của SCMP mới quay lại Triều Tiên. Nhóm phóng viên được Kim, một hướng dẫn viên người Bình Nhưỡng, dẫn đi tham quan.
"Cảm ơn các bạn vì đã tới thăm chúng tôi trong thời điểm căng thẳng này, lúc chúng tôi đang gặp vô vàn khó khăn. Nếu lệnh cấm vận cắt đứt nguồn cung xăng dầu cho Triều Tiên, xe của chúng ta sẽ không đi được", Kim nói vui.
Liu Zhen quan sát thấy trên đường phố Bình Nhưỡng có rất ít xe hơi hoạt động. Một số trạm xăng dầu đã hạn chế bán ra ngoài vì trữ hàng do lo ngại Trung Quốc sẽ thắt chặt xuất khẩu dầu sang Triều Tiên.
Tuy nhiên, hạn chế bán xăng dầu dường như không ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật tại Bình Nhưỡng, các phương tiện công cộng vẫn hoạt động bình thường. Phần lớn người dân đạp xe đi làm, số ít dùng xe điện , một số hãng taxi màu xanh lá cây và màu cam chạy trên đường đều là xe lai điện hoặc xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Xe chở nhóm phóng viên chạy qua những con đường đầy ổ gà do không được bảo dưỡng vì ảnh hưởng từ lệnh cấm vận. Hầu hết phố xá Bình Nhưỡng được xây dựng từ những năm 1990, trước khi nền kinh tế gặp khó khăn và chính phủ ưu tiên ngân sách cho những chương trình quốc phòng nghiên cứu hạt nhân và tên lửa hơn so với xây dựng hạ tầng.
Kim xin lỗi về tình trạng đường sá, giải thích rằng nếu cứ áp dụng kỹ thuật cũ để sửa chữa sẽ tốn quá nhiều nhựa đường - sản phẩm mà Triều Tiên buộc phải nhập khẩu. Bên vệ đường, các nhóm công nhân đang đốt củi để làm tan chảy chất lỏng màu đen giống nhựa đường trong thùng kim loại lớn, làm khói đen kịt và nặng mùi bốc lên.
Trong tháng 4, mặc dù căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng nhưng các tour du lịch bằng tàu hỏa tới Triều Tiên vẫn được duy trì, đem lại nguồn ngoại tệ quý cho đất nước. Xe du lịch giường nằm chở khách từ Đan Đông, thành phố miền viễn biên Trung Quốc với Triều Tiên chật cứng người, đa số là du khách Trung Quốc, vài người là khách châu Âu, sẵn lòng móc hầu bao để thỏa trí tò mò và ham muốn phiêu lưu tới nơi được đánh giá là một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới này.
Hành lý của khách nước ngoài được kiểm tra cẩn thận. Điện thoại của Liu Zhen suýt bị tịch thu. Cô được giữ lại thiết bị sau khi tặng một cây bút đẹp cho sĩ quan kiểm tra. Có điều, cho dù được giữ lại điện thoại, nó cũng không có sóng.
Khách tham quan được một nhóm sĩ quan theo dõi chặt. Họ chỉ được phép di chuyển trên những tuyến đường có sẵn trong lộ trình và ở tại khách sạn biệt lập, không được phép di chuyển tự do hoặc trò chuyện không cần thiết với người địa phương.
Tuy nhiên, có vài lần tàu hỏa hoặc xe khách của Liu Zhen đi qua một nhóm học sinh, xe tải chở đầy lính hay một nhóm công nhân xây dựng, họ đều hào hứng và tươi cười vẫy tay chào.
"Tôi rất ấn tượng. Năm 2012, không một người Triều Tiên nào thực hiện những hành vi như vậy với người nước ngoài. Khi đó, họ tỏ ra lạnh lùng, khó chịu và xa cách hơn bây giờ", Liu Zhen nhận xét.
Liu Zhen được lên thử "hệ thống tàu điện ngầm sâu nhất thế giới" tại Bình Nhưỡng. Nhiều người bản địa vừa ngồi tàu vừa chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại thông minh, quang cảnh giống hệt trong tàu điện ngầm ở những thành phố nước ngoài khác.
Hệ thống tàu điện ở Bình Nhưỡng:
Theo Liu Zhen, thủ đô Bình Nhưỡng đã thay đổi theo cách đáng ngạc nhiên dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un, người từng du học ở Thụy Sĩ. Có thể thấy sự thay đổi qua xu hướng thời trang ở Bình Nhưỡng mà đại diện là bà Ri Sol-ju, vợ ông Kim. Những phụ nữ dưới 40 tuổi ở thủ đô Triều Tiên thường diện áo vest, áo khoác dài, váy ngắn tới đầu gối, tất da chân và giày cao gót, giống với phong cách của bà Ri.
"5 năm trước, khi tới đây, tôi được khuyên nên thay quần áo khác vì 'váy quá ngắn và không phù hợp' mặc dù tôi mặc váy vừa dài tới đầu gối", Liu Zhen nhớ lại.
Kể từ khi lên lãnh đạo đất nước năm 2012, Kim Jong-un cũng thay đổi việc sử dụng nguồn nhân lực trước đó của bố và ông nội. Ông từng hủy bỏ hai lễ hội lớn quy tụ 10.000 sinh viên biểu diễn vào năm 2014 và 2016, tập trung binh lính và sinh viên để xây dựng hai tổ hợp cao ốc chung cư và trung tâm thương mại ở Bình Nhưỡng.
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm sinh nhật cố chủ tịch Kim Nhật Thành vào 15/4, ông đã mời 200 phóng viên quốc tế tới Bình Nhưỡng để đưa tin về cái ông gọi là "sự kiện lớn và quan trọng". Cả thế giới suy đoán đó có thể là một cuộc thử nghiệm hạt nhân thì bất ngờ thấy tin tức nhà lãnh đạo Triều Tiên cắt băng khánh thành đường Ryomyong, sau khi đường Khoa học gia Mirae hoàn thiện năm 2015.
Hai con đường toàn nhà cao tầng có kiến trúc hiện đại, giống như một đô thị lớn ở các nước phát triển.
"Con đường này là nguyên mẫu về diện mạo thành phố lý tưởng của chúng tôi. Người Triều Tiên đã chăm chỉ làm việc để hiện thực hóa nó", hướng dẫn viên Kim nói.
Biểu tượng sức mạnh mới được ví như 100 quả bom của Triều Tiên:
Trong một báo cáo do Viện chiến lược Brookings có trụ sở tại Mỹ công bố hôm 30/4, bà Phó Oánh, phát ngôn viên quốc hội Trung Quốc, đã viết rằng nền kinh tế Triều Tiên đã thoát khỏi thời kỳ khó khăn nhất.
"Thực tế là kinh tế Triều Tiên đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Kim Jong-un đã ổn định tình hình trong nước", bà viết.
Việc Triều Tiên tăng cường cấp điện càng củng cố quan điểm của bà Phó. 5 năm trước, Bình Nhưỡng buộc phải cắt điện ở hầu hết các quận nội thành do thiếu điện vào mùa hè. Cả thành phố chìm trong bóng tối và tĩnh lặng sau hoàng hôn, thỉnh thoảng rộn lên tiếng hò reo của số ít người hâm mộ bóng đá tập trung ở quảng trường ngoài ga xe lửa Bình Nhưỡng, nơi có hai màn hình tivi lớn để xem vòng loại tranh cúp vô địch châu Âu năm 2012.
Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, cho dù là ngày thường, Bình Nhưỡng vào ban tối cũng rực sáng ánh đèn. Tiếng ồn của xe tải hạng nặng vang lên từ phía bên kia sông. Thành phố chỉ tắt đèn khi trời đã nửa đêm.
Ở vùng nông thôn, nông dân sắm máy kéo mới tinh canh tác trên đồng ruộng. Họ dùng cả máy cày và trâu bò để làm ruộng. Dê tự do ăn cỏ xung quanh. Thời cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, người dân Triều Tiên phải chặt củi lấy gỗ gây tình trạng mất rừng, xói mòn đất và nước dẫn tới hạn hán hoặc ngập lụt. Dưới thời Kim Jong-un, tình trạng này đang được cải thiện bằng cách trồng thêm rừng.
Liu Zhen ngạc nhiên khi thấy trong ngày kỷ niệm thành lập quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) 24/5, trong lúc Mỹ và Trung Quốc kêu gọi đối phó nguy cơ Triều Tiên thử hạt nhân thì bầu không khí tại Bình Nhưỡng khá bình lặng, chỉ tổ chức vài sự kiện nhỏ như viếng thăm tượng đài hai cố lãnh đạo, thăm nghĩa trang liệt sĩ và khiêu vũ tập thể quy mô nhỏ tại các quảng trường công cộng trong thành phố.
Khu vực phi quân sự với Hàn Quốc (DMZ) ở Panmunjom vẫn mở cửa cho du khách ngoại quốc nhưng thời gian viếng thăm bị cắt ngắn.
Đối với một số quân nhân Triều Tiên, 24/5 là ngày trọng đại. Tại Kaesong, biên giới với Hàn Quốc, các cặp cô dâu chú rể hăm hở chụp ảnh cưới tại cung điện Koryo, di sản văn hóa thế giới. Cô dâu mặc trang phục truyền thống, trang điểm đậm. Một cô cho biết cuối cùng thì cũng được dùng bộ mỹ phẩm Chunhyang, sản phẩm chỉ dành cho phụ nữ có gia đình tại Triều Tiên.
Chú rể mặc quân phục. Họ trông rất vui vẻ. Tại đất nước có 1,2 triệu binh sĩ, đối với các cô gái Triều Tiên, quân nhân là đối tượng kết hôn lý tưởng so với tiêu chuẩn "tốt nghiệp đại học" và "đẹp trai".
"Em tôi lấy một cậu đẹp trai, có bằng đại học, nhưng mẹ tôi vẫn không vui", hướng dẫn viên Kim nói.
Người dân Triều Tiên hài lòng vì quốc gia có "đủ năng lực quốc phòng" với chương trình phát triển vũ khí và tên lửa hạt nhân cần thiết để tự bảo vệ, điều mà không lệnh cấm vận nào có thể buộc họ từ bỏ.
"Chúng tôi biết tàu sân bay Mỹ đang tiến về phía chúng tôi nhưng chúng tôi không sợ", Kim nói. "Mặc kệ người Mỹ có tin hay không, chúng tôi hiện là cường quốc hạt nhân".
Kim nhắc tới Syria, cho rằng quốc gia này dễ bị tổn thương vì không có vũ khí hạt nhân, đó là lý do Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân.
"Assad không có vũ khí phòng vệ đủ mạnh, vì thế người Mỹ lúc nào muốn cũng có thể bắn tên lửa vào ông ta", Kim nhận xét. "Có điều, họ sẽ không dám làm thế với chúng tôi".
Hồng Hạnh