Công trình "Xây dựng khung đánh giá đất đai dựa trên phân tích đa chỉ tiêu và hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho quy hoạch sử dụng đất bền vững ở quy mô vùng" của tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuấn (Phó trưởng phòng Địa lý, thổ nhưỡng và môi trường, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam) nhận đề cử giải Tạ Quang Bửu của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tạo cơ sở lý thuyết xây dựng phần mềm đánh giá
Việt Nam và nhiều nước thường sử dụng phần mềm đánh giá thích nghi đất đai tự động ALES của nước ngoài, dựa trên khung đánh giá thích nghi đất đai của FAO (1976) để quy hoạch sử dụng đất, nhất là đất nông, lâm nghiệp.
Nhược điểm lớn của phần mềm này là dữ liệu sử dụng để phân tích dựa trên nền tảng vector, tức là bắt buộc xây dựng bản đồ đất đai. Việc này tiềm ẩn nhiều sai số do khái quát hóa dữ liệu đất, nước, khí hậu..., tốn kém thời gian và tiền.
Từ đó, tiến sĩ Tuấn có ý tưởng xây dựng phần mềm đánh giá đất không cần sử dụng bản đồ đất đai, lại tận dụng được cơ sở dữ liệu GIS (hệ thống thông tin địa lý) về tài nguyên và môi trường vốn được xây dựng ở hầu hết tỉnh thành Việt Nam và nhiều nước.
Để xây dựng được phần mềm này, khung lý thuyết đánh giá thích nghi đất đai cần được hoàn thiện, đảm bảo độ tin cậy và có thể lập trình.
Tiến sĩ Tuấn nung nấu ý tưởng về khung lý thuyết đánh giá thích nghi đất đai từ năm 2009, khi còn là học viên cao học ở Đại học Tổng hợp Ghent, Vương quốc Bỉ. Năm 2011, anh về nước và hoàn thiện nghiên cứu do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) tài trợ.
Khung lý thuyết đã tích hợp các chỉ tiêu đánh giá thích nghi đất đai ở cả ba khía cạnh: sinh thái, khả thi về kinh tế - xã hội, tác động môi trường nhằm đảm bảo quy hoạch sử dụng đất bền vững.
Nghiên cứu đã công bố trên Agriculture, Ecosystems and Environment - tạp chí xuất bản những bài báo nghiên cứu về quan hệ giữa hệ sinh thái với môi trường tự nhiên, đặc biệt là hệ sinh thái nông nghiệp. Tạp chí có chỉ số ảnh hưởng impact factor 5 năm gần đây là 4.678.
"Công trình nghiên cứu đăng ở tạp chí là cơ sở lý thuyết để xây dựng phần mềm đánh giá thích nghi đất đai mới, chính xác và hiệu quả hơn", tiến sĩ Tuấn nói.
Nói về khả năng thay thế ALES, tiến sĩ Tuấn cho rằng mỗi phần mềm có ưu nhược điểm riêng, người sử dụng nên tận dụng những mặt mạnh của mỗi phần mềm. "ALES có thể sử dụng dễ dàng ở quy mô điểm, nhưng hạn chế ở quy mô vùng. Nghiên cứu của tôi không có nghĩa sẽ thay thế hoàn toàn ALES mà giúp người dùng có thêm sự lựa chọn", anh nói.
Cân bằng nghiên cứu và "cơm áo gạo tiền"
Làm việc tại Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) từ năm 2010 đến nay, tiến sĩ Tuấn hài lòng với con đường đã chọn vì đúng với đam mê.
Trên con đường nghiên cứu, tiến sĩ thừa nhận chuyện cơm áo gạo tiền đã ảnh hưởng đến bản thân và gia đình rất nhiều, nhưng anh đã biết cân bằng chúng. Tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên (Đại quốc Quốc gia Hà Nội), đi làm với mức lương khởi điểm 500.000 đồng không thể đảm bảo cuộc sống, nhưng anh vẫn quyết đeo đuổi đam mê. Anh ví "khoa học như cái nghiệp", cần biến đam mê này thành động lực nuôi sống bản thân và gia đình.
Từ năm 2002, đang làm việc tại Viện Địa lý, tiến sĩ Tuấn phấn đấu phải đi học nước ngoài. Đến khi đi học nước ngoài, anh tiếp tục đặt hai mục tiêu là kiến thức và nâng cao kinh tế.
"Phải đảm bảo tình yêu với khoa học nhưng vẫn có nguồn thu phục vụ cuộc sống, vì chúng ta còn gia đình. Khi mới ra trường kiến thức còn hạn hẹp nhưng 15 năm sau kinh nghiệm cùng trình độ sẽ giúp chúng ta có nguồn thu nhập chính đáng để nuôi dưỡng đam mê", tiến sĩ sinh năm 1980 nói.
Từ năm 2011 đến nay, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuấn đã và đang tham gia/chủ trì 9 đề tài nghiên cứu các cấp (trong đó 5 đề tài cấp nhà nước). Anh đã có 12 công trình được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế; đồng tác giả một cuốn sách chuyên khảo và một đăng ký bản quyền tác giả phầm mềm. |