Lễ ra mắt thành viên và Ban lãnh đạo mới Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA) được thực hiện tại Đại hội lần thứ tám của GYA, tổ chức từ ngày 7 đến 11/5 ở Thái Lan. Một trong chín Ủy viên Hội đồng Điều hành GYA nhiệm kỳ 2018-2019 là PGS Trần Xuân Bách.
Là Phó trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Đại học Y Hà Nội, anh Trần Xuân Bách còn là phó giáo sư kiêm nhiệm tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ. Anh trở thành người đại diện thứ hai của Việt Nam tại GYA, sau tiến sĩ y khoa Trần Quang Huy, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (tham gia năm 2017).
Chủ đề của đại hội năm nay là "Trẻ mãi? Sống lâu và khỏe mạnh nhờ khoa học và công nghệ". PGS Bách đã thu hút được sự ủng hộ của đông đảo đại biểu khi chia sẻ về lý tưởng và sứ mệnh thúc đẩy nghiên cứu khoa học phục vụ cho sức khỏe và phát triển con người. Anh trở thành Ủy viên Hội đồng Điều hành GYA đại diện cho các nhà khoa học ở các nước đang phát triển với số phiếu cao nhất.
Theo phó giáo sư sinh năm 1984, trên hành trình làm nghiên cứu, anh luôn tự hỏi ý nghĩa của một sự nghiệp khoa học là gì?
“Phải chăng, đó là công việc chỉ để thỏa mãn niềm đam mê khám phá tri thức? Hay thực chất đó là cơ hội cho tôi có thể đóng góp cho sức khỏe và sự phát triển của con người?”, PGS Bách nói. Anh chia sẻ khó khăn trong nghiên cứu, đó là sự thiếu hụt kinh phí, hướng dẫn, hỗ trợ. Ngay cả những căng thẳng, mệt mỏi và sự đơn độc trong khoa học cũng là thách thức buộc nhà khoa học trẻ phải vượt qua để chạm đến thành công và cống hiến cho cộng đồng.
Từng trải qua những tháng ngày triển khai can thiệp y tế cho người dân vùng khó khăn, PGS Bách đã truyền thông điệp đến nhà khoa học trẻ toàn cầu từ hơn 50 quốc gia về thách thức có thể vượt qua bằng những nghiên cứu khoa học và thúc đẩy xây dựng chính sách, chuyển giao công nghệ.
“Nhiều thách thức về phát triển mà chúng ta đang phải đối mặt hôm nay, như đói nghèo, bệnh tật, và bất bình đẳng, có thể giải quyết được thông qua thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành, tăng cường hoạch định chính sách dựa vào bằng chứng”, anh Bách nói.
PGS Bách cam kết đầu tư thời gian và nỗ lực cho việc huy động nguồn lực, phát triển các mạng lưới cộng tác, nhằm mở rộng chương trình cố vấn khoa học và trao đổi học giả, tạo động lực, hệ sinh thái cho việc chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp ở cả các nước phát triển cũng như đang phát triển.
“Mỗi quốc gia, viện nghiên cứu, trường đại học, hay cá nhân nhà khoa học có lựa chọn của riêng mình mà tại từng chặng đường có ưu tiên, tốc độ, sự đầu tư, và giá trị kỳ vọng khác nhau, có thể ví như nhịp sóng. Chúng ta cần hòa quyện những nhịp sóng này để tạo ra sự cộng hưởng, dẫu biết rằng bên cạnh một điểm cộng hưởng luôn có đến hai điểm triệt tiêu”, anh Bách chia sẻ.
Sinh năm 1984, anh Trần Xuân Bách, giảng viên Đại học Y Hà Nội, đã có nhiều công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong hệ thống ISI/Scopus. Năm 2015, anh được Trung tâm nghiên cứu AIDS, Đại học Johns Hopkins (Mỹ) trao giải thưởng Nghiên cứu quốc tế về lâm sàng và dự phòng. Năm 2016, trong 638 nhà giáo được công nhận phó giáo sư, Trần Xuân Bách (32 tuổi) là người trẻ nhất. Năm 2017, anh được Đại học Albeta, Canada trao Giải thưởng Khởi đầu sự nghiệp cho cựu nghiên cứu sinh xuất sắc. GYA thành lập tháng 2/2010, quy tụ những khoa học hàng đầu nhằm tạo ra tiếng nói chung của các nhà khoa học trẻ đối với chính sách phát triển bền vững trên toàn cầu. Viện có tối đa 200 thành viên, được bầu chọn từ những nhà khoa học dưới 40 tuổi có thành tích khoa học xuất sắc từ nhiều quốc gia. Hàng năm, thành viên của GYA sẽ được mời tham dự Hội nghị thường niên để họp bàn các vấn đề khoa học cùng những khách mời danh dự là nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng. GYA có trụ sở tại Halle (Đức), được bảo trợ bởi Viện Hàn lâm Khoa học Leopoldina, Đức và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức. |