Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), năm 2017 Cục tiếp nhận hơn 100 nghìn đơn đăng ký sở hữu công nghiệp các loại. Trong đó đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp chiếm hơn một nửa, phần còn lại là đơn liên quan đến sửa đổi, chuyển nhượng đơn, yêu cầu duy trì, gia hạn hiệu lực và cấp lại văn bằng bảo hộ, chuyển nhượng, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp...
Hơn 80 nghìn đơn trong số đó đã được Cục xử lý, trong đó có gần 40 nghìn đăng ký xác lập quyền, tăng 1% so với năm 2016.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Sở hữu trí tuệ, thông tin Cục xác định bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói riêng cũng như hoạt động của Cục đều hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp. "Mũi nhọn là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu và khai thác sáng chế, nhất là trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi cả nước", ông Phí nói.
Theo ông Phí, Cục Sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện để đưa vào khai thác công cụ đăng ký đơn sở hữu công nghiệp thông qua mạng thông tin điện tử. Hết năm 2017, đã có gần 5.500 đơn được tiếp nhận qua hệ thống nhận đơn trực tuyến này.
Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả công tác xử lý đơn sở hữu công nghiệp thông qua nâng cao năng lực và hoàn thiện quy trình, thủ tục thẩm định đơn sở hữu công nghiệp; tập trung xử lý các đơn tồn.
Sở hữu công nghiệp là khái niệm chỉ lĩnh vực pháp lý bảo hộ quyền sở hữu đối với các thành quả nghiên cứu triển khai có thể áp dụng công nghiệp. Tại Việt Nam, đối tượng sở hữu công nghiệp có thể là: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp, ngoài ra còn có tên thương mại và bí quyết kinh doanh. |