Bên lề hội thảo Khoa học vì sự phát triển diễn ra tại Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành ICISE (TP Quy Nhơn, Bình Định) ngày 9/5, giáo sư Gerard 't Hooft, người đoạt giải Nobel Vật lý 1999 cho biết, đây là lần thứ hai ông đến Việt Nam. Lần này, ông chia sẻ về sự quan trọng của khoa học nói chung, vật lý nói riêng với sự phát triển của cộng đồng.
Nói về chính sách phát triển khoa học, giáo sư người Hà Lan cho rằng cần đặc biệt chú trọng chính sách khuyến khích người trẻ tuổi. “Giống như con chim sải cánh ngoài biển khoa học bao la, nếu không có được sự khởi đầu sớm thì sẽ không thể bay cao, bay xa. Một người nếu được khích lệ, đầu tư cho việc nghiên cứu khoa học từ sớm thì chắc chắn kết quả sẽ tốt đẹp”, ông nói.
Chia sẻ rất trăn trở trước vấn đề giáo dục, giáo sư 't Hooft cho rằng trẻ em cần được giáo dục tốt. Nếu để tự nhiên, lũ trẻ sẽ chỉ quan tâm tới những điều bình thường, những giao tiếp xã hội đơn thuần. Chúng không bẩm sinh hứng thú với khoa học, trừ khi người lớn hướng chúng tới một ngành khoa học nhất định.
Nhấn mạnh tới phương pháp giáo dục, giáo sư Hà Lan cho rằng trẻ cần được tự do, tự do thất bại, tự do ý kiến, tự do thể hiện, đi kèm là giáo dục. Ngay từ lúc còn nhỏ, đứa trẻ cần biết tất cả điều cơ bản, hiển nhiên. "Điều đó cực kỳ quan trọng, giáo dục cần lưu ý tất cả những gì trẻ cần, để trẻ có thể tiếp cận với các mức độ khoa học cao hơn", ông nói.
Chưa được tiếp xúc nhiều với sinh viên, song giáo sư 't Hooft cho rằng "họ cần đi ra ngoài nhiều hơn để có góc nhìn bao quát hơn".
Tại hội nghị, giáo sư Finn Kydland, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2004, kêu gọi các quốc gia muốn phát triển thì phải đầu tư cho trẻ em. “Một quốc gia đầu tư cho thế hệ trẻ tốt, sẽ thúc đẩy nền kinh tế, khoa học của đất nước đi lên”, vị giáo sư người Na Uy nhấn mạnh.
Cần đầu tư trên 2% GDP quốc gia cho phát triển khoa học công nghệ
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ khẳng định, trong 30 năm đổi mới, Việt Nam rất quan tâm đến khoa học nói chung, đặc biệt khoa học cơ bản. Nhiều nghiên cứu cơ bản của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá tốt, tuy nhiên còn nhiều hạn chế.
Ông Quân chỉ ra các mặt hạn chế, như cơ chế hoạt động của viện nghiên cứu công lập còn khó khăn. Các viện công lập nước nhà hiện nay mạnh về số lượng và được sự quan tâm của Chính phủ nhưng hiệu quả hoạt động thấp. Điều này dẫn đến công trình công bố quốc tế, bằng sáng chế còn ít.
Theo ông Quân, những nhà khoa học giỏi nhất hiện nay chủ yếu làm việc ở nước ngoài và khu vực tư nhân. Khu vực nhà nước không hấp dẫn người làm khoa học do đầu tư của xã hội và nhà nước còn ít. “Mặc dù ngân sách nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách quốc gia cho khoa học công nghệ nhưng bị phân tán, quản lý bởi nhiều cơ quan. Thực tế chỉ có 10% (trong 2% tổng chi ngân sách) chi cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ”, ông Quân thông tin.
Ông Quân mong muốn nhà nước đầu tư trên 2% GDP quốc gia cho phát triển khoa học công nghệ. Chính phủ đã ban hành nghị định riêng về cơ chế chính sách ưu đãi cho các nhà khoa học đầu ngành của quốc gia, nhà khoa học trẻ. Hiện Việt Nam đã thành lập giải thưởng mang tên nhà khoa học Tạ Quang Bửu chuyên dành cho các nhà khoa học trẻ có những công trình, sản phẩm xuất sắc.
Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam do giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập và điều hành từ năm 1993 tại Pháp, với mong muốn góp phần vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học cho thế hệ tương lai Việt Nam. Từ năm 2013 đến nay, chuỗi các chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" được thực hiện tại Bình Định với hơn 40 hội nghị khoa học quốc tế, 16 khóa học chuyên đề với hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế. Đặc biệt, trong đó có 12 giáo sư đạt giải Nobel, 2 giáo sư đạt giải Toán học Fields, 2 giáo sư đạt giải Thiên văn học Kavli cùng nhiều nhà khoa học danh tiếng thuộc nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam còn tổ chức các khóa học chuyên đề dành riêng cho nhà nghiên cứu trẻ, tổ chức buổi thuyết trình, giao lưu giữa các giáo sư nổi tiếng và giới nghiên cứu khoa học, học sinh, sinh viên. |