Ngày 12/3, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cùng đơn vị liên quan tổ chức hội thảo công bố Báo cáo đề xuất nhằm cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học thông tin giai đoạn 2012-2015, hơn 98% xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý, trong đó các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong môi trường thương mại điện tử; cạnh tranh không lành mạnh trong tên miền; quảng cáo xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm khoảng 22% thì 5 năm tới quy mô thị trường tại Việt Nam đạt khoảng 10 tỷ USD. Vì thế, theo bà Quỳnh Việt Nam cần nhiều hơn chính sách quy định để bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả, đặc biệt nên cân nhắc đến vai trò của tòa án trong xử lý vi phạm.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bên cạnh thị trường truyền thống, hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng nhiều trong môi trường thương mại điện tử.
Cho rằng những lợi ích từ việc chuyển đổi trên là rất lớn, hấp dẫn doanh nghiệp, nhưng theo Thứ trưởng Tùng môi trường kinh doanh này phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Để giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học hiện đang đưa ra giải pháp tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, giữa người giải quyết vấn đề về sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp, giữa cơ quan đại diện sở hữu công nghiệp với doanh nghiệp...
"Đây là giải pháp thích hợp giúp doanh nghiệp hiểu rõ về quyền sở hữu trí tuệ và biết mình sai ở đâu, từ đó, họ tự rút ra sai lầm", Thứ trưởng Tùng nói và cho biết thời gian tới Bộ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp này.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham nhấn mạnh việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn nhiều phức tạp và cơ chế thực thi của Chính phủ cần được cải tiến để có thể xóa bỏ, trừng phạt và ngăn chặn vi phạm hiệu quả. "Những khoản phạt hành chính không đủ ảnh hưởng như một biện pháp ngăn chặn thực sự", ông Adam nhấn mạnh.
Thời gian qua Thanh tra Bộ đã phối hợp với một số bộ, ngành khác xử lý một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, như xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (xâm phạm tên nhãn hiệu, tên thương hiệu...), hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền, quảng cáo các loại hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên Internet sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tại Thông tư 11/2015 của Bộ Khoa học. Theo thông tư này, trang web là phương tiện kinh doanh và khi có hành vi quảng cáo hoặc bán hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử lý như các trường hợp vi phạm khác. |
Duy Tân