Tính đến tháng 11, doanh số toàn thị trường theo ghi nhận của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) là 369.334 xe. Cộng gộp lượng bán của các hãng không thuộc VAMA, gồm 72.037 xe của TC Motor (xe Hyundai) và 18.052 xe của VinFast (tính đến tháng 8), tiêu thụ ôtô tại Việt Nam đạt mức 459.423 xe, tức chỉ khoảng hơn 40.000 xe nữa là chạm ngưỡng nửa triệu chiếc.
Doanh số trung bình của VAMA là hơn 33.500 xe/tháng, của TC Motor là hơn 6.500 xe/tháng. Bởi vậy, nếu thị trường duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định như hiện nay, cộng với việc các hãng đang giảm giá kích cầu tiêu dùng cho tháng 12, doanh số bán xe ở Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử có thể đạt, thậm chí vượt qua 500.000 xe. Những năm trước, khi sôi động nhất, thị trường bán hơn 400.000 xe vào năm 2020, còn lại đều loanh quanh ngưỡng 300.000.
Doanh số nửa triệu xe tại khu vực Đông Nam Á vốn chỉ có 3 thị trường lớn nhất là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đạt được. Với riêng Thái Lan và Indonesia, các năm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện (2019, 2020), doanh số đều hơn 1 triệu xe. Trong khi đó Malaysia khoảng 500.000-600.000 xe/năm.
Luỹ kế đến tháng 11 cũng ghi nhận mức bán hàng cao nhất, 327.760 xe của các thành viên VAMA, đây là lần đầu tiên vượt qua mốc 300.000 xe. Hiệp hội với các tên tuổi lớn như Toyota, Kia, Mazda, Mitsubishi, Mercedes... đã tăng 40% doanh số so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiêu thụ ôtô tại Việt Nam ngày càng lớn cho thấy nhu cầu về loại phương tiện an toàn, văn minh hơn xe máy trong tầm ngắm của rất nhiều gia đình Việt. Tiềm năng của thị trường còn lớn bởi quy mô dân số hơn 98 triệu người, xếp sau Indonesia, Philippines trong khu vực Đông Nam Á. Đây là cơ sở quan trọng thu hút quan tâm của các hãng xe, không chỉ hiện diện bằng hình thức kinh doanh nhập khẩu mà còn đặt nhà máy lắp ráp trong nước để tận dụng nhân lực và khai thác tiềm năng doanh số của thị trường.
Thành Nhạn