Làm việc tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, TS Trần Huy Hoàng cho biết ngay từ năm 2007, sự xuất hiện của ổ dịch tả đã trở thành cảnh báo đối với các nhà khoa học về tốc độ kháng kháng sinh mạnh mẽ của vi khuẩn tại Việt Nam.Vi khuẩn này đe dọa hiệu quả điều trị của kháng sinh và gia tăng gánh nặng cho các bệnh truyền nhiễm - nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ mắc, tử vong cao. "Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ không còn kháng sinh có hiệu lực để điều trị trong 5-10 năm tới", TS Hoàng nói.
TS Trần Huy Hoàng cùng các cộng sự đã nghiên cứu và phát hiện được các vi khuẩn gram âm mang các gene như KPC và NDM-1 kháng lại carbapenem - nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay và thuộc nhóm "lựa chọn cuối cùng" của các chủng vi khuẩn Gram âm phân lập trên các bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện và trong môi trường bệnh viện.
Thực hiện các nghiên cứu sâu về sinh học phân tử, nhóm nghiên cứu nhận thấy sự lây lan của các chủng vi khuẩn bao gồm hai đường lây truyền là lây chéo giữa các bệnh nhân nằm trong các khoa của bệnh viện, và chủ yếu thông qua các trung gian plasmid mang gene kháng kháng sinh. Bên cạnh đó, họ cũng phát hiện các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh mạnh nhất này còn xuất hiện ở ngoài cộng đồng.
Theo TS Hoàng, việc phân tích sâu ở mức độ phân tử giúp hiểu rõ hơn về khả năng, các cơ chế và kiểu lây truyền các gene kháng kháng sinh này. "Các vi khuẩn đã mang các gene mã hoá như KPC, IMP, VIM,NDM-1 và OXA-48 chúng sẽ kháng lại kháng sinh nhóm carbapenem", TS Hoàng nói. Khi vi khuẩn kháng kháng sinh ở mức độ cao với các chủng đa dạng và cơ chế lây truyền phức tạp sẽ khiến các kháng sinh thế hệ 1 gần như không được lựa chọn để điều trị trong nhiều trường hợp. Các kháng sinh thế hệ mới đắt tiền cũng đang mất dần hiệu lực.
Với người bệnh gặp vi khuẩn kháng thuốc, bác sĩ rất khó khăn khi lựa chọn loại kháng sinh điều trị phù hợp. Khi đó phải sử dụng các loại thuốc thế hệ mới tốn kém hơn, hoặc phải phối nhiều loại thuốc trong quá trình điều trị.
Từ những phát hiện ban đầu, đến năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện đề tài nghiên cứu "Đánh giá thực trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn tại Việt Nam, xác định đặc điểm cấu trúc gene và yếu tố liên quan của các vi khuẩn kháng thuốc thường gặp ở Việt Nam" do TS Hoàng làm chủ nhiệm. Nghiên cứu này thực hiện ở mức độ cao hơn, định danh nhanh vi khuẩn, nấm; kỹ thuật PCR phát hiện gene kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn. Đặc biệt việc giải toàn bộ trình tự genome của vi khuẩn bằng máy giải trình tự gene thế hệ mới (Miseq) giúp phân tích sâu về hệ gene của vi khuẩn kháng kháng sinh.
Sau ba năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện kỹ thuật khoanh giấy kháng sinh khuếch tán, PCR phát hiện gene kháng kháng sinh đạt chứng nhận ISO 15189. Quy trình ứng dụng phần mềm phân tích hệ gene giúp vận hành phòng nghiên cứu chuyên sâu về hệ gene của vi khuẩn KKS tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng được xây dựng, từng bước hình thành phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia có chức năng khẳng định kết quả định danh, kháng sinh đồ, PCR và phân tích sâu hệ gene phát hiện các biến thế mới của vi khuẩn kháng kháng sinh. "Từ các phân tích sẽ giúp tìm ra giải pháp, xây dựng chiến lược phòng, chống vi khuẩn kháng kháng sinh trong tương lai", TS Hoàng nói.
TS Hoàng cho biết thêm, đề án cũng đào tạo 4 nghiên cứu sinh và 2 thạc sĩ y học, góp phần nâng cao năng lực cho xét nghiệm và nghiên cứu cho hệ thống y tế Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu được đăng tải trên 3 tạp chí quốc tế có chỉ số impact factor cao và 5 bài báo trên các tạp chí có uy tín ở trong nước.
Thông tin về các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, xin liên hệ: - Văn phòng các Chương trình khoa học và Công nghệ quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 113 - Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: (84.24) 3.5551.726 – Fax: (84.24) 3.5551.725. Email: vpctqg@most.gov.vn. Webiste:http://vpctqg.gov.vn.
Như Quỳnh