- Văn Tùng nói gì về cú bắt vô lê tung lưới Thái Lan ở trận ra quân giải U23 châu Á tại Uzbekistan?
- Tôi thực sự rất vui khi ghi bàn đó, nó giúp đội vượt lên dẫn 2-1 trong trận đấu Thái Lan. Nhưng hơi tiếc là sau đó chúng tôi lại để đối phương gỡ hòa ở phút bù giờ. Nhiều người khen bàn thắng đó là siêu phẩm, nhưng tôi nghĩ mình gặp may, bóng rơi đúng tầm nên tung chân vô lê ngay.
- Anh làm thế nào để đoán trước đường chuyền rất kín của Phan Tuấn Tài trong tình huống làm bàn đó?
- Trước đó tôi có gọi Tài và cậu ấy liếc mắt. Khi biết Tài nhìn thấy mình, tôi lập tức tách người ra chuẩn bị cho tình huống tiếp theo. Thực ra, chúng tôi tập với nhau rất nhiều cho kiểu dứt điểm như thế. Tại các giải trẻ, tôi và Tài cũng đối đầu nhau nhiều nên hiểu nhau. Khi tập trung cùng đội U23 đá SEA Games, chúng tôi lại cùng nhau tập nhiều những tình huống như khi dứt điểm tung lưới Thái Lan.
- Văn Tùng tập thế nào để có được kỹ năng dứt điểm bóng sống tốt như vậy?
- Từ khi khoác áo U19, tôi đã được thầy Philippe Troussier rèn rất nhiều về dứt điểm bóng sống. Ở CLB Hà Nội, bây giờ tôi cũng hay rèn. Cứ sau mỗi buổi tập tôi lại dành ra khoảng 15 phút để luyện dứt điểm như vậy. Hai Long thường là người thực hiện các đường chuyền cho tôi. Tôi thần tượng anh Nguyễn Tiến Linh. Đi cùng nhiều, nên tôi biết anh ấy là mẫu câu thủ dứt điểm rất hay. Tôi sẽ nỗ lực rèn luyện để được như vậy.
- Nếu để nói về lối chơi của mình, Văn Tùng sẽ dùng từ gì?
- Đó là máu chiến. Hễ vào sân, tôi luôn chơi như không còn gì để mất. Và tôi cũng đá "láo" lắm. Quan điểm của tôi là ngay khi vào sân phải dằn mặt, tạo ra được sự đe doạ và ức chế với hậu vệ đối phương, thì mình mới có nhiều cơ hội ghi bàn. Xưa ở các giải trẻ, tôi cũng hay phi người hay giật chỏ. Nhưng giờ được các thầy ở CLB Hà Nội, thầy Park và thầy Gong uốn nắn nhiều nên cũng đỡ hơn. Các thầy nói rất thích tinh thần máu chiến và xả thân của tôi, nhưng cũng cần tiết chế.
Nói đá "láo", nhưng thực ra là tiểu xảo thôi. Tôi chưa gây chấn thương nặng cho ai. Tiểu xảo là một phần của bóng đá. Như trận gặp Hàn Quốc ở lượt hai vòng bảng, mỗi khi Việt Nam triển khai bóng lên, phía trên chưa kịp nhận thì đã phải lĩnh như pha chơi rắn và rát của đối thủ. Saudi Arabia cũng thường xuyên chích mũi dày vào gót chân cầu thủ Việt Nam, khiến chúng ta không thể đá như ý muốn.
- Đã bao giờ Văn Tùng phải lĩnh hậu quả do đá rắn?
- Thực sự, tôi cũng hối hận vì từng làm ảnh hưởng tới đội trẻ. Năm 2018, trong trận quyết định vòng loại U19, tôi có nổi nóng, đấm cầu thủ Nam Định nên phải nhận thẻ đỏ. Tới giải U21 quốc gia năm nay, tôi cũng quá máu lửa khi tranh chấp với anh Dụng Quang Nho, để rồi nhận thẻ vàng, không được đá chung kết. Ngồi xem đội thua Nutifood, tôi hối hận vô cùng. Tôi ước mình bình tĩnh hơn, không phải nhận thẻ, được đá chung kết, tình thế có thể đã khác, chúng tôi có thể đã vô địch. Lên tập trung với đội U23, nhờ các thầy Park Hang-seo rồi Gong Oh-Kyun dặn dò nhiều, nên tôi cũng tiết chế được.
- Vậy Văn Tùng đối phó với các pha chơi xấu nhắm vào mình thế nào?
- Là tiền đạo, tôi chấp nhận hết. Tôi chưa bao giờ sợ bất cứ đối thủ nào, dù là Thái Lan, Hàn Quốc hay Saudi Arabia. Càng gặp đội mạnh tôi càng thích. Gặp đội nào tôi cũng không căng cứng, chỉ trước trận xem video để biết đối thủ đá sao. Tôi thi thoảng cũng bị đối thủ quây, nhưng các đồng đội thường lên giải vây cho.
- Làm việc với cả HLV Park Hang-seo lẫn HLV Gong Oh-kyun. Văn Tùng thấy hai thầy khác nhau như thế nào?
- Thầy Park thích tiền đạo tì đè, làm tường. Thầy Gong thì thích tiền đạo chạy chỗ và dứt điểm. Thầy Gong cũng cho đội đá thiên về tấn công hơn, hai cánh dâng ca, nên tiền đạo chúng tôi có nhiều cơ hội hơn. Cá nhân tôi sẵn sàng đá ở mọi vị trí HLV giao, dù sở trường là tiền đạo cắm. Tôi thích dứt điểm nhanh. Cứ trong khoảng 25m là tôi bẻ lòng.
- Tại giải U23 châu Á vừa rồi, anh còn điều gì tiếc nuối không?
- Tôi tiếc vì vẫn chưa thể hiện được hết năng lực. Tôi chơi tạm ổn khi được vào sân, nhưng đó vẫn chưa phải là những gì tốt nhất mình có. Về CLB, tôi sẽ cố gắng rèn luyện tốt để có cơ hội ra sân, bởi ngồi dự bị nhiều sẽ ảnh hưởng đến phong độ của mình.
- Trong sự nghiệp cầu thủ của Văn Tùng, đâu là thời điểm khó khăn nhất?
- Đó là năm 2019, sau khi đá xong vòng loại U19 châu Á, tôi về CLB dự U19 Quốc gia. Trận cuối vòng bảng, gặp PVF, khi đang chạy, tôi bị cầu thủ đối phương chạy sau ngáng chân, khuỵu gối xuống. Sáng hôm sau, tôi biết tin mình bị đứt dây chằng. Tôi rất buồn, mấy hôm đầu, tôi khóc rất nhiều, đến mức không ngủ được. Tôi sợ hỏng sự nghiệp, sợ mình không còn được theo đuổi đam mê bóng đá. Nhưng nhờ động lực là bố mẹ và thầy, tôi đã trở lại được để có ngày hôm nay.
Văn Tùng sinh ngày 7/12/2001 ở Hà Nội, trưởng thành tại Trung tâm Thể dục thể thao Gia Lâm. Tiền đạo cao 1m80 này chưa chơi trận nào ở V-League, nhưng đã ghi bốn bàn cho U23 Việt Nam, trong đó có cú đúp trước Singapore ở U23 Đông Nam Á, bàn mở tỷ số vào lưới Timor Leste ở SEA Games 31 và cú vô-lê nâng tỷ số lên 2-1 trước Thái Lan ở U23 châu Á. Anh được đăng ký thi đấu ở V-League 2022, và vẫn chờ chơi trận đầu tiên ở cấp độ chuyên nghiệp.
Lâm Thoả