Đồng bằng sông Cửu Long hiện là một trong 7 vùng kinh tế lớn trên cả nước với nhiều tiềm năng về cả nông nghiệp lẫn lĩnh vực khoa học, công nghệ. Hiện địa bàn các tỉnh trong khu vực sở hữu nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại... là nền tảng thuận lợi cho các giải pháp đổi mới, sáng tạo.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ĐBSCL có thế mạnh nông nghiệp to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước. Kết hợp với cơ sở khoa học kỹ thuật kể trên cùng nguồn nhân lực sẵn có từ các trung tâm, viện nghiên cứu, ông Trường cho rằng các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực sẽ diễn ra thuận lợi.
Trước đó vào tháng 10, diễn đàn Techfest Mekong 2022 diễn ra với sự góp mặt của các diễn giả là nhà quản lý, chuyên gia trong đổi mới sáng tạo. Họ đã nêu các đề xuất về mặt khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển công nghệ và chuyển đổi số ngành nông nghiệp, từ đó tạo bước đệm vững chắc thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng bứt tốc.

Các gian hàng triễn lãm tại sự kiện Techfest Mekong 2022 hồi tháng 19 tại Cần Thơ. Ảnh: Nguyên Anh
Ngoài các lợi thế về mặt khoa học kỹ thuật, nhân lực và chuyên môn nông nghiệp, ĐBSCL cũng đối mặt nhiều thách thức về vị trí địa lý, thiên tai, biến đổi khí hậu... TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) trước đó cho biết biến đổi khí hậu mang lại nhiều thách thức lớn như xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún, suy giảm hệ sinh thái... Bên cạnh đó, đại dịch và những biến động về nhân lực, cùng với đó là sự bất ổn định kinh tế chung trên cả nước từ đầu năm đến nay, cũng góp phần đẩy những bất lợi lên cao.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng ĐBSCL cần có giải pháp cụ thể, biến bất lợi, thách thức thành cơ hội. Một trong những đề xuất từng được các chuyên gia nông nghiệp, biến đổi khí hậu gợi ý là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, lãnh đạo và người dân cũng cần lựa chọn mô hình phát triển thân thiện môi trường, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo và gắn liền với phương châm "sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn".

Hàng chục ha đất trồng cây ăn trái, ao cá cùng nhiều nhà dân ở cù lao An Bình, ĐBSCL bị cuốn sụp hoàn toàn xuống sông Cổ Chiên trong chiều và đêm 5/12 do sạt lở. Ảnh: Cửu Long - Nguyên Anh
Bên cạnh đề xuất ý tưởng, quá trình triển khai cũng là yếu tố góp phần làm nên thành công, hiệu quả của công cuộc chuyển đổi số kinh tế - xã hội tại khu vực ĐBSCL. Để làm được điều đó, ngoài sự tham gia của các bộ, ban, ngành, lãnh đạo tỉnh, các cấp... doanh nghiệp thương mại từ đa ngành nghề cũng đóng vai trò quan trọng.
Nhằm kêu gọi sự hưởng ứng, tập hợp cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo cùng hành động, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn Mekong Startup - Lần I năm 2022.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV tại họp báo diễn đàn Mekong Startup - Lần 1 năm 2022 diễn ra ở Đồng Tháp, ngày 8/12. Ảnh: Ngọc Tài
Với chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp", mục tiêu chính của chương trình là hướng đến giảm biến đổi khí hậu, hạn chế những ảnh hưởng nặng nề từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp được ban tổ chức nhấn mạnh giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững, hiện đại và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, diễn đàn còn hướng đến tạo lập cơ chế đối thoại công - tư thường xuyên, liên tục ở quy mô cấp vùng; kết nối nguồn lực trong và ngoài nước, các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển, quảng bá, tạo cơ hội tiếp cận vốn và nhà đầu tư cho các sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ hỗ trợ.
Mặt khác, diễn đàn Mekong Startup tại Đồng Tháp còn kỳ vọng có thể giúp nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp tại ĐBSCL về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải. Song song đó là giới thiệu, quảng bá những sản phẩm, dịch vụ điển hình từ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Diễn đàn Mekong Startup 2022 có sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ với cố vấn nội dung của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và đơn vị truyền thông Báo VnExpress. Chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 19 đến 20/12 với 4 phiên, bao gồm: giới thiệu các công nghệ mới của ngành nông nghiệp; tư vấn chia sẻ cùng các doanh nghiệp start-up; nghị sự xoay quanh chuỗi ngành hàng trọng điểm của khu vực; và khép lại với phiên toàn thể.
Bảo Trân
