Thưởng Tết là một trong những vấn đề được quan tâm dịp năm mới. Các châu bản triều Nguyễn cho thấy hoạt động này phổ biến từ cách đây hàng trăm năm. Triển lãm trực tuyến Thưởng phạt: Chuyện xưa chưa cũ, diễn ra ngày 15/1, cung cấp nhiều tư liệu, hình ảnh về thưởng Tết.
Trên bản Tấu của Bộ Công vào năm Tự Đức thứ 27 (1874), vua phê chuẩn lịch nghỉ Tết kéo dài từ 28 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng, để binh lính, thợ thuyền được nghỉ ngơi. Trường hợp người có công việc khẩn cấp không thể trì hoãn, vẫn làm việc bình thường.
Dưới triều Nguyễn, thưởng Tết cũng được phân theo nhiều cấp bậc, giá trị khác nhau. Văn bản của Bộ Hộ thời vua Minh Mạng, năm 1826 viết: "Truyền ban một bữa yến tiệc và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Hoàng tử và chư công, mỗi người thưởng 20 lạng. Quan văn, quan võ hàm chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng. Tòng nhất phẩm 10 lạng, tòng tam phẩm bốn lạng, chánh tứ phẩm ba lạng. Thị nội, đội trưởng, suất đội, cai đội... mỗi người một lạng và đều được cho dự tiệc". Phủ Tôn Nhân, Bộ Lại, Bộ Lễ và Bộ Binh chịu trách nhiệm lên danh sách, Bộ Hộ tiến hành phân thưởng.
Tết Nguyên đán năm 1827, người 80 tuổi trở lên được cấp một súc vải (cuộn vải), một phương gạo (30 bát gạt bằng miệng). Người 90 tuổi trở lên được một súc lụa, hai phương gạo, còn trên 100 tuổi được hai súc lụa, một súc vải và ba phương gạo. Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh, tập 21, tờ 167 viết: "Chúng thần đã dán treo công bố rộng khắp để toàn hạt được biết. Lại sức cho các quan phủ huyện đến trấn làm đơn lãnh lương gạo về lị sở, theo hạng phân cấp để tiện cho dân. Nghiêm sức không được mượn việc mà xâm lạm, lừa dối, để trừ thói xấu". Nông dân chăm chỉ được ban thưởng, khích lệ theo lời vua "gốc của thiên hạ lấy nông làm trọng". Các gia đình có con cháu hiếu thảo, vợ chồng hạnh phúc, quan quản lý sẽ xác thực, trình lên Bộ Lễ khen thưởng. Trường hợp người nghèo khổ, túng quẫn, cô quả, tàn tật... ở các tỉnh, quan phụ trách cấp dưỡng.
Tết cũng là dịp để vua ân xá cho người phạm tội. Năm 1871, vua Tự Đức phê chuẩn các quan văn, võ bị giáng cấp thì được khôi phục, phạt bổng thì xét miễn. Bản Tấu của Bộ Hình năm Duy Tân thứ 3 (1909) cho biết vua xem xét giảm án và phóng thích tù nhân đang bị giam giữ. Trong đó, tử hình giảm xuống còn đánh 100 trượng, lưu đày khổ sai chín năm.
Một vài năm, vua dừng việc chúc Tết, ban thưởng vì nhật thực, dịch bệnh, chiến tranh... Theo văn bản của Nội các năm Tự Đức thứ hai, mùng một có nhật thực, lại thêm dịch bệnh hoành hành nên đình chỉ việc thiết triều chúc Tết và ban yến.
Năm Tự Đức thứ 15 (1862), Bộ Hộ và Bộ Lễ tâu trình: "Tết Nguyên đán sắp tới, xin dừng việc ban yến tiệc vì biên thùy chưa yên, tướng sĩ ở ngoài phải gian lao mà đình thần được ban yến thì trong lòng thực không yên, khoản yến tiệc xin tạm dừng một lần". Vua phê chuẩn: "Nếu dừng việc ban yến thì việc chúc mừng cũng nên đình chỉ".
Mỗi ngày Tết, vua sẽ có những hoạt động khác nhau. Mùng một, vua ban yến tiệc và tiền vàng cho hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, võ từ tứ phẩm trở lên. Mùng hai, vua làm lễ tiến tân và chiêm bái tại điện Phụng Tiên, ban thưởng cho các quan văn từ lục phẩm, võ từ ngũ phẩm trở xuống. Mùng ba, vua làm lễ tại Thái miếu, các hoàng tử, hoàng thân đến tế tại Triệu tổ miếu và miếu Hoàng khảo. Ngoài ra, vua cũng ban yến cho biền binh, lính thợ trấn giữ ở các đồn lũy.
Trong cuốn Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX của Michel Đức Chaigneau, dịp năm mới, vua đều có quà thưởng cho quan lại. Thông thường là bộ khăn đóng áo dài hoặc tấm vải. Quà được trao bằng nghi thức long trọng. "Đi trước có một người thừa hành lệnh và theo sau có người mang lọng che. Lọng rõ là không phải che nắng, che mưa cho món quà mà là tăng phần uy nghi cho vật phẩm triều đình. Cho dù đó chỉ là món quà bình dị - một trái lê", tác giả viết. Trong khi đó, quan không buộc phải có quà dâng lên vua.
Ngoài thưởng Tết, những quy định về thưởng phạt khác cũng được giới thiệu tại triển lãm Thưởng - phạt: Chuyện xưa chưa cũ do Trung tâm Lưu giữ Quốc gia I tổ chức. Sự kiện gồm bốn phần: Phần một là Thưởng để khuyến khích, phạt để răn đe; Phần hai: Thưởng phạt công minh nhưng đủ lý tình; Phần ba: Thưởng nhiều phương diện nhưng không tùy tiện; Phần bốn: Xử phạt đúng tội, mở ra cơ hội.
Bà Trần Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - cho biết các châu bản giúp công chúng hiểu được bối cảnh lịch sử, tư tưởng quan điểm, và cách làm của vua chúa thời xưa.
"Thời đại quân chủ đã lùi xa nhưng tính nghiêm minh trong cách thưởng, phạt, cách trọng dụng người tài, người có công, tư tưởng nhân văn khi mở ra con đường sống, cơ hội lập công chuộc tội cho không ít trường hợp, quan điểm đề cao chuẩn mực đạo đức trung, hiếu, tiết, nghĩa... vẫn là những giá trị có sức sống bền vững lâu dài, cần được chắt lọc và bảo tồn trong cuộc sống hôm nay", bà Hương nói.
Hiểu Nhân