Rạng sáng 28/10, một thùng phiếu dành cho cử tri bỏ phiếu vắng mặt tại Portland, bang Oregon, bốc khói sau khi một thiết bị gây cháy được kích hoạt. Nhờ có hệ thống dập lửa tự động trong thùng và nhân viên an ninh gần đấy kịp thời phản ứng, chỉ có ba phiếu bị hư hại.
Một vụ cháy tương tự xảy ra vài giờ sau đó tại thành phố Vancouver thuộc bang Washington, tây bắc Mỹ. Hệ thống dập lửa tự động lần này đã không hoạt động hiệu quả và hàng trăm phiếu bầu trong thùng bị hủy hoại.
Cảnh sát nhận định thiết bị gây cháy đã được gài vào thùng phiếu, nhưng chưa rõ chủng loại cũng như nghi phạm. "Đây là một vụ tấn công trực diện vào nền dân chủ", Greg Kimsey, quan chức bầu cử hạt Clark, nơi có thành phố Vancouver, nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo ở Portland, giới chức Mỹ cho biết dấu vết từ các thiết bị gây cháy cho thấy "mối liên quan" giữa hai vụ phóng hỏa thùng phiếu với sự việc tương tự vào ngày 8/10, cũng tại Vancouver. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang tham gia điều tra vụ phóng hỏa.
Người phát ngôn cảnh sát Portland Mike Benner cho biết thiết bị gây cháy được gài phía bên ngoài thùng phiếu. Qua kiểm tra hình ảnh từ camera giám sát gần hòm phiếu bị cháy ở Portland, cảnh sát phát hiện một ôtô khả nghi đã tiếp cận thùng phiếu, không lâu sau đó thì đám cháy bùng lên.
Bà Marie Gluesenkamp Perez, nghị sĩ Dân chủ đại diện bang Washington, gọi đây là những sự việc mang tính chất "bạo lực chính trị", đề nghị cảnh sát cử nhân viên bảo vệ thùng phiếu hạt Clark từ giờ đến hết ngày bầu cử 5/11.
Greg Kimsey cho biết cơ quan bầu cử hạt Clark sẽ rút ngắn thời gian giữa những lần thu gom phiếu bầu, điều chỉnh giờ gom phiếu vào buổi tối và hỗ trợ bỏ phiếu lại cho những cử tri có phiếu bầu đã bị hủy hoại trong vụ phóng hỏa ở Vancouver.
Lo ngại những vụ tấn công thùng phiếu sẽ tái diễn trong mùa bầu cử năm nay, Kimsey cho biết cơ quan bầu cử sẽ tuyển thêm người giám sát thùng phiếu 24/24. Giám sát viên không được quyền can thiệp ở thùng phiếu, chỉ gọi tới đường dây khẩn cấp của cảnh sát để thông báo ngay khi thấy diễn biến đáng ngờ.
Bỏ phiếu vắng mặt qua thùng phiếu (drop box) là hình thức dành cho những cử tri không thể trực tiếp đến điểm bầu cử sớm, không thể bỏ phiếu trong ngày bầu cử toàn quốc hoặc không muốn gửi phiếu bầu qua đường bưu điện.
Họ có thể yêu cầu cơ quan bầu cử địa phương cấp phiếu bầu vắng mặt, sau đó mang đến thùng phiếu được chỉ định. Cơ quan bầu cử không cử người túc trực tại thùng phiếu, mà chỉ cho nhân viên đi gom phiếu định kỳ.
Hình thức bầu cử này đang vấp phải chỉ trích về nguy cơ gian lận, chủ yếu từ đảng Cộng hòa và những nhóm lan truyền thuyết âm mưu cực hữu. Tranh cãi tăng vọt sau khi cựu tổng thống Donald Trump nhiều lần cáo buộc cuộc bầu cử năm 2020 "có gian lận" về phiếu bầu, dù không có bằng chứng nào cho thấy điều đó.
Trong 4 năm qua, 6 bang đã cấm hình thức đặt thùng phiếu cho cử tri đến bỏ phiếu vắng mặt, gồm Arkansas, Mississippi, Missouri, Bắc Carolina, Nam Carolina và Nam Dakota. Một số bang đã hạn chế hình thức này, chỉ cho phép mỗi hạt đặt một thùng phiếu hoặc cần có lý do đặc biệt để áp dụng, điển hình là Ohio và Iowa.
Phe Dân chủ cho rằng những động thái này đi ngược lại tinh thần khuyến khích thêm cử tri tham gia bầu cử. Washington và Oregon là hai bang vẫn áp dụng phổ biến cả hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện và bỏ phiếu vắng mặt tại thùng phiếu.
Thanh Danh (Theo AP)