Thông tin được chia sẻ tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024", tổ chức sáng 8/5. Năm 2023 Thừa Thiên Huế đạt 44.01 điểm, xếp hạng 14/63 địa phương và đứng thứ 2 của Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho rằng kết quả này đáng ghi nhận. Ông kỳ vọng các trao đổi không chỉ để nâng cao điểm số, thứ hạng PII, mà cần tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh, phù hợp với điều kiện, đặc điểm và định hướng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đánh giá bộ chỉ số PII "là cơ sở khoa học và thực tiễn cho tỉnh để ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu cùng tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy kinh tế xã hội.
Ông thẳng thắn, hiện nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ của Thừa Thiên Huế còn hạn chế, năng lực kết nối doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học chưa cao, số lượng doanh nghiệp còn thấp trong khi hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm chưa rõ nét.
Thời gian gian tới, tỉnh sẽ chú trọng phát triển tiềm lực, nguồn nhân lực khoa học công nghệ, phát triển hướng trọng tâm vào doanh nghiệp. Thừa Thiên Huế cũng xác định tập trung đầu tư vào khoa học, công nghệ, hỗ trợ các ý tưởng đổi mới, sáng tạo, sáng chế, đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tài sản trí tuệ, thị trường khoa học công nghệ.
Bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết chỉ số PII chỉ ra, Thừa Thiên Huế có ngành dịch vụ phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Tỉnh ghi dấu ấn với các yếu tố như thể chế, chất lượng nhân lực, nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích...
Tuy nhiên Thừa Thiên Huế có nhiều chỉ số thấp hơn mức trung bình chung cả nước. Trong đó có trình độ phát triển của thị trường và trình độ phát triển của doanh nghiệp; liên kết sáng tạo, tác động đến xã hội. Thành phố có mật độ doanh nghiệp cùng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp. Các chỉ số như sản xuất công nghiệp, sản phẩm OCOP 4 sao trở lên và giá trị xuất khẩu còn yếu. "Chỉ số đầu vào đạt 48.82 điểm trong khi đầu ra đạt 39.19 điểm cho thấy việc sử dụng đầu vào để chuyển thành đầu ra đổi mới sáng tạo chưa hiệu quả", bà Yên nói.
Tại hội thảo nhiều ý kiến đề xuất giải pháp sử dụng bộ chỉ số để xây dựng các chính sách nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo. Mục tiêu Thừa Thiên Huế "phấn đấu thuộc top 10 địa phương đạt chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024".
TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế cho biết sẽ bám sát 7 trụ cột của bộ chỉ số nhằm từng bước cải thiện, phát huy vai trò của đổi mới sáng tạo trong định hướng phát triển kinh tế xã hội, "đây cũng là vai trò của ngành trong việc xây dựng Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ cả nước", ông nói với VnExpress.
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng. PII được xây dựng bám sát cấu trúc của bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hàng năm và được Chính phủ sử dụng trong quản lý, điều hành từ năm 2017. Các số liệu được thu thập từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác (Cải cách hành chính; Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chuyển đổi số; Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh).
Như Quỳnh