Theo Thủ tướng, tám kết quả tích cực về chuyển đổi số bao gồm nhận thức và hành động có nhiều chuyển biến; việc xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo; hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển; cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy; dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng; an ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng; nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được tăng cường; và tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.
Chuyển đổi số cũng giúp thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, việc giảm thủ tục hành chính, giảm các phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý là những việc cần sự đóng góp của chuyển đổi số.
"Kết quả hôm nay mới chỉ là bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước. Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội", ông nói.
Thủ tướng khẳng định, cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày.
Dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước", ông nói.
Năm thông điệp của Chính phủ về chuyển đổi số
Để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, thực chất, người đứng đầu Chính phủ cho rằng Việt Nam phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. Ông nêu năm thông điệp về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, Đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.
Thứ hai, nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Nhắc đến Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, Thủ tướng yêu cầu cần tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.
Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.
Thứ tư, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến... Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp,
Thứ năm, tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, từ đó tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.
Thủ tướng khẳng định quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. "Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển", ông nói.
Ngày 10/10 hàng năm được Thủ tướng chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Trong lần đầu tổ chức, sự kiện có chủ đề "Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân". Mục tiêu của chương trình là đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, nâng cao nhận thức người dân và toàn xã hội về chuyển đổi số, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn dân, đảm bảo thành công của chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động sự tham gia của toàn dân. Vì vậy, sự kiện là dịp nâng cao ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số của mỗi người dân nói riêng và với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung.
Lưu Quý