Chiều 19/8, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao và các nhà khoa học tiêu biểu đã nhấn nút khởi động mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Mạng lưới nhằm huy động nguồn chất xám từ chuyên gia Việt đang làm việc tại các quốc gia có nền công nghệ phát triển để hỗ trợ Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện đã có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu là người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài cùng hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước tham gia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Minh Chính đánh giá cao sáng kiến mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức mạng lưới trong bối cảnh đất nước đứng trước yêu cầu đẩy mạnh toàn diện.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh tư tưởng trọng dụng nhân tài của Đảng, Nhà nước qua nhiều thời kỳ và chỉ đạo các bộ, ngành cần năng động sáng tạo đề xuất cơ chế chính sách cụ thể để thu hút nhân tài.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi tình yêu Tổ quốc ở mỗi người thể hiện bằng những hành động cụ thể, những góc độ khác nhau, song hơn hết là làm sao để đưa đất nước phát triển.
Chia sẻ với những tri thức người Việt trở về quê hương, Phó thủ tướng mong muốn mọi người hãy coi mình là người trong cuộc, có khát vọng và lòng tin. Bởi thành công của người Việt đang làm việc tại nước ngoài luôn là sự nỗ lực không ngừng. Ở nơi xứ người nhiều người đã vươn lên trong khó khăn, nhưng không phải ai cũng nhìn thấy điều đó mà chỉ nhìn thấy thành công của họ.
Vì vậy Phó thủ tướng kêu gọi tất cả mọi người cùng nắm tay nhau kiên trì đi đến cuối con đường để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội, thời cơ từ cuộc cách mạng 4.0.
Nhà khoa học hiến kế
Để mạng lưới hoạt động hiệu quả, tại lễ khởi động, các nhà khoa học đã kiến nghị giải pháp huy động nguồn lực tri thức, tận dụng được công nghệ tiên tiến, cách tiếp cận thị trường cũng như nguồn đầu tư mạo hiểm trên thế giới.
TS Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu tại Google Deepmind (Mỹ) nêu, chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) mang dòng máu Việt đang làm việc ở nhiều quốc gia, song Việt Nam lại chưa ghi dấu trên bản đồ thế giới ở lĩnh vực này. Ông Hưng khuyến nghị Việt Nam cần có Trung tâm AI, từ đó có những công bố quốc tế để thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn.
Nhiều gợi ý phát triển hạ tầng công nghệ, đầu tư cho cơ sở điện toán đám mây phục vụ trong quá trình đào tạo của Việt Nam cũng được chuyên gia trở về từ Mỹ nhấn mạnh.
Trở về từ Nhật Bản, PGS Hồ Anh Văn cũng nêu thực tế về người Việt đang làm việc trong các trường đại học hàng đầu ở Nhật Bản. Có thể kể đến GS Hồ Tú Bảo, Trần Văn Thọ và nhiều nghiên cứu viên, kỹ sư đang làm việc tại tập đoàn công nghệ lớn. Việc xây dựng mạng lưới là cơ hội để họ gặp nhau trao đổi, hướng tới tương lai.
Ông Văn cho rằng công thức cho thành công của mạng lưới sáng tạo Việt Nam là phép nhân trí thức trong nước, Chính phủ và trí thức ngoài nước. Những đóng góp này thông qua từng dự án, nhiệm vụ cụ thể, kết nối với khoa học công nghệ trong nước. Ở đây Chính phủ là cầu nối, tạo ra chính sách hiệu quả, còn doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận công nghệ và phối hợp.
Góc nhìn khác, thạc sĩ Trần Văn Hinh nói về cách để kết nối hiệu quả. Bằng kinh nghiệm của Hội Khoa học chuyên gia toàn cầu từ Pháp và mở rộng ra nhiều nước với trên 10.000 người, ông Hinh chia sẻ điểm mấu chốt để kết nối thành công là tầm nhìn rõ ràng; tìm dự án phù hợp khả năng và thế mạnh; tổ chức chuyên nghiệp theo mô hình doanh nghiệp xã hội và luôn tâm niệm cần dấn thân khi làm nhiệm vụ để đạt kết quả tốt nhất.
Đánh giá cao gợi ý của các nhà khoa học, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, Thủ tướng đã ban hành Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam tầm nhìn 2035. Kịch bản cách mạng công nghiệp 4.0 cho Việt Nam đến năm 2035 cũng được xây dựng.
Hai năm gần đây, chỉ số đổi mới sáng tạo tạo toàn cầu Việt Nam tăng 14 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng chú trọng hơn đến đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Ở phần chi R&D do doanh nghiệp thực hiện tăng từ vị trí 68 năm 2016 lên vị trí 48 năm 2018.
Tuy nhiên, để đưa đất nước phát triển hơn nữa, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng việc tạo lập được một hệ sinh thái đồng sáng tạo để kết nối nguồn lực trí tuệ của các nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài là rất quan trọng.
Để thực hiện được, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong nhận được sự ủng hộ và tham vấn của các nhà khoa học, chuyên gia người Việt ở nước ngoài, gợi ý giúp trong việc xây dựng các chính sách phù hợp để kết nối, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ thực sự mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Sau lễ khởi động, chương trình có hai phiên đối thoại. Một là lãnh đạo các bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao), một là nhà khoa học và các doanh nghiệp.
Các phiên đối thoại ngắn gọn với thông điệp của từng cá nhân, bộ, ngành về cách thức để kết nối mạng lưới trí thức tốt nhất cũng như những góc nhìn cá nhân trong việc tận dụng tri thức hiệu quả.
Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo với chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 19/8 đến 24/8:
Ngày 19/8: Công bố Sáng kiến mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và Phiên đối thoại của lãnh đạo Chính phủ với các nhà khoa học.
Chiều 20/8: Làm việc tại Làng phần mềm F-Ville 2, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Ngày 21/8: Trao đổi về các ngành, lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam (Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước).
Ngày 22/8: Làm việc tại Quảng Ninh và kết nối với giới trí thức, nghiên cứu, làm công nghệ.
Ngày 23/8: Làm việc tại TP HCM, thăm Khu công nghệ cao Hồ Chí Minh.